Hôm nay là ngày 26 tháng Tư, 2020. Tôi tiếp tục câu chuyện
từ đoạn ông VõVV, người có nhã ý và trong một sự tình cờ đã đưa tôi vào phi
trường Tân Sơn Nhất lúc 5 giờ chiều ngày 25 tháng Tư, 1975, 45 năm về trước.
Khi cái vẫy tay từ giã của ông Võ khuất trong màn nắng đang
nhạt dần của một buổi chiều đầy những âu lo và phiền muộn. Tôi bỗng thấy mình
như một kẻ lạc loài, cô đơn và yếu đuối. Giằng co giữa sự trở về nhà hay ở lại
đây! Lúc thì đổ tội là vì nghe ông Võ “xúi dại”, khi thì nhận là do lỗi của
mình vì đã không tự quyết. Nhưng thôi nghĩ gì thì nghĩ, thực tế là tính mạng mình
đang treo leo trên biên giới phải chọn lựa, giữa tự do và tù ngục nếu Sài Gòn
thất thủ, nhất là đối với vai trò của một phóng viên quân đội
Bây giờ là 7 giờ tối, đèn cũng đã bật sáng trong khuôn viên
DAO, tôi bắt đầu nhận rõ được nhiều khuôn mặt thân quen đang đứng, ngồi hay nằm
dài để chờ chuyến bay di tản khỏi VN. Có kẻ thì ba hoa, chích chòe, có người
thì im lặng thở dài! Tôi chợt tỉnh: À thì ra họ cũng như mình thôi, đang chạy
trốn họa Cộng Sản sắp chụp xuống quê hương. Có khác chăng là họ có giấy tờ chính
thức để được gọi tên lên các chuyến bay, còn mình thì không, thế nhưng điều đó
đâu ai biết được? Tự tin như vậy, tôi ngẩng mặt bước vào đám đông “nhận diện bà
con”.
Nhóm đầu tiên là mấy tên nhạc trẻ thân quen gồm có Trung Hành của Mây Trắng,
Quang Minh, tức Minh mập CBC, Minh “rè” của Keyhole và một vài người khác đã
được ông Oliver một bầu show người Mỹ đưa vào DAO từ mấy ngày nay và đang chờ
chuyến bay. Trung Hành cho biết, Trung Nghĩa của The Enterprise và vợ là violist
Đoàn Thanh Tuyền đã đi từ ngày hôm qua. Kiềm điểm lại còn biết thêm Kim Anh,
Uyên Ly của ban tam ca Ba Con Mèo cũng đã đi từ mấy hôm trước. Ông ca sĩ đầu
đàn nhạc trẻ Jo Marcel thì đã rời Sài Gòn từ 19, 20 tháng Tư gì đó, cùng chuyến
với tổng trưởng kinh tế Phạm Kim Ngọc, cùng gia đình bà thượng nghị sĩ “trăng
sáng vườn chè” Pauline Văn Thơ, Kaxim thì ở lại vì có quốc tịch Tây, còn thì
Tùng Giang, Tuấn Ngọc, Khánh Hà và gia đình Uptight nghe nói đã được George Esper
(trưởng phòng hãng thông tấn AP ở VN) đưa vào và đang có mặt ở đây v..v.. và
v..v... À thì ra, thảo nào cậu Tùng Giang nhìn rất là bình tĩnh lúc gặp tôi và
anh Trầm Tử Thiêng ở Givral sáng nay.
Đảo sang phía bên kia, tôi thấy ông Đỗ Ngọc Yến mặt trầm
ngâm, đầy âu lo đang thì thầm trao đổi với ông Đỗ Quý Toàn, cạnh đó là gia đình
vợ con và túi sách, túi mang. Chợt có người vỗ vai, tôi ngoảnh lại thì ra đó là
ông nhà báo kiêm thi sĩ Kiêm Thêm, ông KT tươi cười hỏi thăm rồi đưa tay chỉ về
phía trước, gia đình anh Lê Quỳnh kìa, tôi nhìn qua và vẫy tay chào. Khi ở bên
ngoài lúc ông Võ rủ tôi vào TSN, mình cứ nghĩ là còn quá sớm mà đi đâu? Thậm
chí khi anh Văn Quang nói tôi vẫn chưa tin, đến lúc vào trong này mới biết mình
là một trong những kẻ muộn màng! Ông Đỗ Ngọc Yến còn chia sẻ “tin nóng” là gia
đình TT Thiệu và ĐT Khiêm cũng vừa được CIA đưa vào phi trường để đi Đài Bắc
tối nay. Còn nhiều gia đình người quen khác nữa, nhưng tôi tò mò muốn đến nơi người
ta đang sắp hàng để được gọi tên lên máy bay.
Từ xa nhìn vào hàng người xếp
theo thứ tự, lần lượt nghe đọc tên, rồi họ xướng lên “có mặt”, sau đó sách hành
lý vào cân lượng rồi bước lên xe bus để được đưa đến thang phi cơ. Thật tình cờ
tôi nhận ra người đọc tên là ông nhạc sĩ Đức Huy, còn người hành khách vừa trả
lời “có mặt” lại là ông bạn kiến trúc sư Nguyễn Tường Quý cùng gia đình. Thấy không
khí thân tình, tôi đánh bạo bước lại gần hơn và la lớn cho anh Quý nghe: Lên
đường bình an nhe anh Quý. Ông quay lại, nhận ra tôi vẫy tay từ giã vội vàng. Trong
khi đó Huy cũng nhận ra tôi nheo mắt cười. Và cũng vì hành động này mà một “biến
cố lớn” đã xẩy ra trong cuộc đời lưu vong, viễn xứ của tôi!
8 giờ tối ngày 25 tháng Tư, 1975. Vừa đọc xong danh sách
chuyến bay và hoàn tất việc di chuyển hành khách, Đức Huy bước ra ngoài tìm tôi
và đưa ngay vào bên trong nơi Huy đang làm việc, toàn là các sĩ quan US Marines
Corps vừa từ Mỹ bay sang, mặt còn đỏ hoe, để điều hành cuộc di tản khẩn cấp này,
chỉ có Huy là người VN duy nhất. Mặc dù tôi và Huy gặp nhau hầu như mỗi ngày,
hai đứa vẫn thay phiên dùng xe đi làm vài ngày mỗi tuần. Huy đưa tôi đến Quân
Đoàn III ở Biên Hòa, sau đó chàng lái xe đến Bình Dương nơi Huy phục vụ tại
tiều khu này. Cả hai chúng tôi đều là các quân nhân đang tại ngũ, vậy thì Huy
làm gì ở đây mà giờ này còn đứng gọi tên người lên phi cơ? Tôi ngại ngùng không
dám hỏi, nhưng giả vờ thân mật nói đùa: Tao đâu có biết mày làm cho CIA? Vì chỉ
có nhân viên CIA thì giờ này mới dám đứng gọi tên và quyết định cho ai đi, ai ở!
Huy hì hì cười và tảng lờ hỏi tôi: mày
có đói bụng không? tôi bảo: hơi hơi, nhưng mua thức ăn ở đâu? Huy không trả
lơi, đứng dậy bước vào phía trong rồi đem ra cho tôi một cái Hamburger nóng
hổi, thơm phức, gói trong giấy foil, cùng một lon Cola Cola lạnh buốt! Bụng
đang đói, trời đang nóng, sực một miếng cái đã, chuyện đâu còn có đó!
Ăn
xong tôi cám ơn Huy và hẹn lúc gia đình tôi đến nơi sẽ tái ngộ. Nhưng
Huy kéo tôi lại và hỏi: Ăn gì nữa không?, tôi lắc đầu rồi bắt
tay từ giã. Huy nói tiếp: Đâu có dễ thế, chàng ăn no, uống đã rồi, thì
bây giờ
phải làm việc chứ. Sau đó Huy dúi vào tay tôi một danh sách mới khoảng
30 gia
đình và bắt tôi đọc tên để mời họ lên máy bay.
Đắn đo và lưỡng lự một hồi, Huy than mệt quá, tôi đành chiều theo ý
Huy và bước ra ngoài, giọng nghiêm nghị mời mọi người có tên trong chuyến bay
số..., hãy chuẩn bị xếp hàng. Mọi người nghe theo răm rắp. Tôi chợt cười thầm
trong bụng: Hai tiếng đồng hồ trước còn là một tên “nhập cảnh lậu” vào DAO, hai
giờ sau đã trở thành”thầy chú”! Đúng là một cuộc đổi đời! Tối hôm đó tôi làm
việc suốt cả đêm, không ngủ, giúp cho Huy chợp mắt vì hắn đã thức trắng đêm hôm
qua. Lúc rảnh rang hai thằng ngồi tâm sự thì mới biết là Huy đã được Bill Fraser
(trưởng phái đoàn HK trong ban liên hiệp 4 bên), một fan trung thành của ban nhạc
đưa cả gia đình vào TSN mấy ngày hôm nay và trong lúc chờ đợi, họ đã nhờ Huy
đọc dùm tên người Việt cho đúng, có vậy thôi. Khi nào Huy đi thì họ lại nhờ
người khác. và người khác đó, không ai, chính là tôi. Và biết đâu nhiều người cũng
đã chụp trên đầu tôi cái nón CIA? Tuy nhiên tôi chẳng bận tâm, niềm an ủi mà
tôi nhận được trong công việc này, là lời hứa của anh chàng thiếu tá Mỹ đen,
mọi người gọi anh là Bob. Thấy tôi làm việc khá vất vả, Bob nói: Ráng giúp họ đi,
khi nào gia đình vào đến DAO anh sẽ cho mọi người đi sớm kể cả tôi, mà khỏi cần
phải sắp hàng xin manifest chuyến bay.
Đêm kéo thật dài, đủ mọi chuyện hỷ, nộ, ái, ố của những nhân
vật được (hay có thể là “bị”) tôi đọc tên lên phi cơ, nhất là các sĩ quan cao
cấp của Quân Đoàn III và Sư Đoàn 5 hoặc các chính khách mà chúng tôi biết mặt,
quen tên. Có người e ngại, có người sợ hãi như đại úy Hùng ở Trung Đoàn 8, SĐ
5, nhìn thấy tôi ông định bỏ về, nhưng tôi gọi ông lại và trấn an: việc đi hay
ở là không do tôi, ai có tên trong danh sách di tản cùng gia đình và được cấp
giấy phép lên phi cơ thì họ có quyền đi. Tuy nhiên hầu hết khi bước qua mặt
tôi, mọi người đều mỉm cười thân ái, mang một chút ân tình ở trong đó, đặc biệt
là bà vợ và hai đứa con nhỏ của đại úy Hùng, bà gật đầu nhìn tôi và cười trong
nước mắt. Những diễn biến đó đã làm cho tôi cảm thấy nhẹ người và quên đi bao nỗi
căng thẳng, bàng hoàng của một ngày đầy biến động cùng một đêm dài nhất trong 30
năm cuộc đời.
Trong giây phút giằng co giữa đi và ở, giữa hạnh phúc và khổ
đau đó, tôi bỗng nhớ đến Mẹ tôi ngày bồng bế lũ con thơ dại vượt biển vào Nam
tìm tự do 21 năm về trước.
Cuộc di cư từ Bắc vào Nam, 1954
Và ngày hôm nay, 45 năm sau, ngồi viết lại đoạn hồi ký trên,
tôi muốn cùng với quý vị và các bạn nghe lại nhạc phẩm “1954 Cha Bỏ Quê, 1975
Con Bỏ Nước” của nhạc sĩ Phạm Duy qua giọng hát Elvis Phương sau đây:
Tháng Tư lại về đem những ký ức u buồn đến với cộng đồng
người Việt tỵ nạn của chúng ta. Năm nay là lần thứ 45 tưởng niệm ngày miền Nam
VN rơi vào tay Cộng Sản, và cũng là một tháng Tư buồn thảm nhất sau tháng Tư
1975. Không khí của đại dịch Vũ Hán bao phủ một mầu tang trên toàn thế giới.
Với những biện pháp giới hạn hoạt động khiến cho năm nay dù có muốn, chúng ta
cũng không thể tổ chức tụ họp đông đảo để làm lễ tưởng niệm ngày quốc hận 30
tháng Tư như những năm trước đây.
Trong hoàn cảnh đó, và để giúp quý vị nguôi ngoai niềm nhớ
về quê hương, đất nước và ôn lại những kỷ niệm đã trải qua, đồng thời để giới
thiệu bộ DVD “Những Người Lính Bị Bỏ Rơi”, kể từ hôm nay cho
đến 30 tháng Tư, 2020, chúng tôi xin mạn phép sưu tầm và chia sẻ cùng quý vị
một số sáng tác của cá nhân chúng tôi cùng các nhạc sĩ khác, về biến cố lịch sử
ghi dấu ngày VN rơi vào tay Cộng Sản khiến cho hàng triệu người phải lần lượt
bỏ nứơc ra đi tìm tự do. Kính mời quý vị thưởng thức và giúp phổ biến đến
thân hữu của mình.
No comments:
Post a Comment