Sunday, March 31, 2019

CHÔN MỘT CHẾ ĐỘ ( bài viết rất hay) - Trần Thiện Phi Hùng


“Tôi vào lính năm 18 tuổi. 12 năm 4 tháng làm lính. Chuyện cải tạo Vườn Đào và người tù về sớm nhất có thật 100% là tôi".
Phi Hùng.
"Tượng nào cao bằng tựơng Trần Hưng Đạo
Lính nào xạo cho bằng lính Hải Quân".

Tôi sáu năm làm lính, thêm sáu năm làm quan, binh chủng Hải Quân. Xạo là chuyện đương nhiên.
Xứ VNCH ta, Bộ Binh, Không Quân chỉ có 4 vùng chiến thuật nhưng Hải Quân có vùng 5 Duyên Hải; Phú Quốc, Côn Sơn. Như nhiều chàng lính biển khác, tôi có thừa tài xạo. Xạo như thật. Xạo với gái bán bars, xạo cả với thượng cấp, nhưng không dám xạo với gái nhà lành, vì tôi rất sợ vướng nợ giai nhân rồi dính lưới hôn nhơn. Đời lính biển đầy những chuyến hải hành dài cả tháng mà có vợ thì xác suất nuôi con của thiên hạ rất cao.
Thôi thì cứ xạo với mấy em bán bar, mấy cô chịu chơi cho đời vui cái đã rồi tính.
Cùng dòng họ Trần Thiện như tôi, có một ông Đại Tướng, 2 ông Đại Tá, mấy chục ông tá, ông uý.
Ông bà nội tôi là loại điền chủ sau khi đã bị chánh phủ VNCH mua lại bởi luật người cày có ruộng; vẫn còn 100 mẫu để canh tác và 15 mẫu ruộng hương hỏa. Cha tôi là một triệu phú có đủ thứ, villas, nhà lầu 4 tầng với mấy chục phòng cho Mỹ mướn rồi sáu bẩy căn phố. Tôi thằng con trưởng nam, vậy mà không được ai nuôi cho ăn học. Ngay khi biết mình 18 tuổi, tôi tự nguyện vào lính hải quân dù chưa nhận được lược giải cá nhân.

Làm lính chưa đầy 6 năm tôi mang lon Thượng sĩ, năm chưa tròn 24 tuổi; đi đâu cũng bị quân cảnh xét giấy tờ coi có mang lon giả hay không. Tôi chỉ mong hết 5 năm để giải ngũ, nhưng rồi chiến cuộc leo thang nên bị lệnh lưu ngũ. Sau đó, tôi đi học làm quan, thăng cấp từ chuẩn úy lên trung úy thì tự động.
Dù làm lính hay làm quan, tất ba gai không bỏ. Gái đến cầu tàu rủ rê đi chơi thì dù đang gác cũng đem súng giao cho sĩ quan trực và bỏ đi chơi 5 ngày sau mới về; vì đi 6 ngày bị cho là đào ngũ nên chiều ngày thứ 5 là tôi về trình diện và vui vẻ nói lý do là "Tại gái xuống tận cầu tàu rũ đi chơi" và vui vẻ đi tù.

Từ đầu tháng Tư 1975, ngay khi thấy chộn rộn, nhiều người tìm đường ra đi, tôi đã chọn đã chọn ở lại. Là sĩ quan hải quân, tôi mà muốn ra đi thì tàu nào cũng lên đi được hết. Tàu nào cũng có bạn cùng khóa lính hay khóa quan hay cùng đơn vị khi xưa; Hơn nữa, nơi tôi phục vụ là Trường Chiến hạm của Bộ Tư Lệnh Hạm Đội, chuyên huấn luyện tác chiến và thanh tra các chiến hạm của hải quân nên gần như quen biết rất nhiều. Những thường dân mang cả gia đình đứng lớ ngớ trước Hải Quân Công Xưởng muốn vào phía trong để xuống tàu mà không vào được tôi còn dẫn dùm vào. Tôi xa mẹ từ thuở nhỏ nay chỉ muốn được sống bên mẹ của tôi mà thôi. Tôi tự tin là dù hoàn cảnh nào, mình cũng có thể xoay trở để sống còn.
Chiều 30 tháng Tư, lần đầu tiên tôi đến nhà ba tôi. Đứng trên sân thượng của building 4 tầng trên đường Chi Lăng, nhìn những chiếc T. 54 của Quân Bắc Việt từ bệnh viện ung thư và tòa hành chánh tỉnh Gia Định quẹo qua đường Chi Lăng ngang bót Hàng Keo qua trước nhà ba của tôi để tiến về Dinh Độc Lập. Tôi rơi nước mắt. "Thế là hết; Tôi thua trận; Tôi bị mất Nước!"
Tôi rời bỏ Biên Hòa về quê mẹ nhưng bị truy tìm nên phải về quê của Ông Ngoại và 15 ngày sau mới trình diện ở Quận Chợ Gạo. Hai tháng sau khi trình diện, tôi được đưa đến tập trung ở Đình xã Tân Lý Tây. Ngôi đình nầy được cho là linh thiêng vì không bị dấu vết của bom đạn. Ở đây chúng tôi phải khai lý lịch chừng chục lần trong 2 tháng. Ngay lần khai đầu tiên, tôi hiểu ngay đây là lúc phải xài tài ba xạo. Mấy ông họ hàng Trần Thiện theo phe quốc gia không dính gì đến tôi. Bố mẹ, chú bác anh em nhà tôi đều theo kháng chiến, có cả lô tử sĩ. Nhiều lúc đang ngủ bị dựng dậy bắt khai lý lịch vì lệnh trên bắt khai lại. Lý lịch của tôi là lý lịch xạo thì làm sao nhớ mà khai cho đúng y như nhau nên phải chép thật nhỏ giấu vào trong bâu áo. Mỗi lần khai là lần lấy ra xào lại.
Sau đợt lý lịch, một ngày Thứ Bảy gần tối, cả bọn trình diện được lùa lên một đoàn xe GMC và xe hàng loại chở heo đến. Lệnh chỉ ngắn gọn, "chuyển trại", không cho biết sẽ đi đâu. Xe chạy về hướng Cai Lậy, một bên lộ là con kinh. Một tên trên xe nói tới Mỹ Phước Tây rồi.
Mỹ Phước Tây cái tên nầy nghe quen quá. Tôi cố moi trí nhớ. Phải rồi, đây vùng nằm giữa Đồng Tháp Mười, trên đường đi Mộc Hóa.
Qua Mỹ Phước Tây chừng 2 hay 3 km, xe dừng lại. Cán bộ coi tù cho biết đây là Trại Cải tạo Vườn Đào. Tên Vườn Đào là vì ngày xưa có người lập vườn trồng đào lộn hột nhưng rồi bỏ hoang. Trên chục dãy nhà lá dài hàng mấy chục thước. Vào trại, tôi được một số trại viên cũ cho biết họ bị bắt trước ngày 30 tháng 4 và đưa về đây, lùa đi đốn cây làm nhà cho trại. Chúng tôi được chia ra 25 người vô một tổ. Trải nylon quấn mền ngủ qua đêm vì quá tối không thể tìm cách giăng mùng.

Trại cải tạo Vườn Đào đúng là cái trại tù không giống bất cứ nơi đâu. Trong trại không ai nhìn ra tôi. Tôi nhận ra một Thiếu úy ngày xưa ở quân trường Nha Trang tôi làm Đại đội trưởng của hắn nhưng nay nhìn tôi hắn ta ngó lơ. Thế cũng là tốt.
Thời mới đến trại Vườn Đào, tôi nhờ được Mẹ lên thăm vừa tiếp tế vừa dúi tiền cho, nên ăn no xài bảnh. Nhưng những ngày tù “huy hoàng” cũng tới lúc kết thúc. Đổi tiền. 22 tây tháng Chín, 1975, tôi còn trên 100 ngàn, phải chia cho bạn bè đổi dùm. Cán bộ đưa cho mấy đồng còn bao nhiêu giữ lại. Vậy là hết thời vung vít.

Trong trại, ngoài màn lao động còn đủ kiểu họp hành, bắt viết đủ thứ “tự khai” rồi “thu hoạch.” Anh nào bị gọi lên “làm việc” là có chuyện vì bị báo cáo gì đó. Tự biết mình khai lý lịch xạo, muốn yên tôi đóng luôn vai dữ, sẵn sàng đập lộn. Hăm he và thừa cơ đánh vào chỗ yếu của thiên hạ là cách sống còn mà trường đời dạy tôi. Nhược điểm là thằng nào cũng muốn được thả về sớm. Tôi thì tuyên bố tao không cần ra sớm. Tiền bạc mẹ và em của tao đủ sống nhiều năm nữa; Tao không cần ra sớm vì tao biết không thể nào ra sớm; Thằng nào cà chớn tao đập để cùng nhau ở trại tù muôn năm cho vui.
Đòn phép này có vẻ hữu hiệu, vậy mà yên được ít lâu, rồi cũng có ngày tôi bị gọi đi trình diện “làm việc”. Chắc là bị báo cáo gì đây. Trước khi đi, tôi còn hâm he:
- Tao mà bị gì thì thằng nào báo cáo nên trốn đi chứ không thì đừng trách tao nặng tay.

Người chờ “làm việc” với tôi không phải tay cán bộ coi an ninh trại mà là một Trung Úy cán bộ người Miền Nam nằm vùng Đồng Tháp Mười. Ngay khi gặp mặt, anh ta tự xưng là “chính trị viên” và trấn an tôi ngay:
- Tôi gọi anh lên chỉ để nói chuyện chơi cho biết thôi, không có gì quan trọng.
Sau đó, tôi còn được mời ngồi, rồi chính viên trung uý cán bộ này đưa thuốc lá của anh ta ra mời hút.
- Tôi vừa đọc xong mấy bài thu hoạch của anh. Anh là văn sĩ à?
À thì ra anh ta thích đọc “văn xạo" của tôi. Trong tự khai rồi thu hoạch của tôi, mẹ tôi từng là cán bộ huyện Giồng Trơm tỉnh Bến Tre từ thời Thanh Niên Tiền Phong chống Pháp và cha tôi thì thời đầu kháng chiến từng là đồng chí của tướng Trần văn Trà. (Thực sự thì Ba tôi có một thời tham gia kháng chiến, biết Trần văn Trà trước khi ông rời khỏi chiến khu về thành) Chuyện trò lan man, anh ta còn hỏi làm sao bài tôi viết đề cập tới nhiều người chính anh ta cũng chưa biết.
Sau hơn tiếng đồng hồ được mời trà mời thuốc, trước khi ra về, viên Trung Uý còn bảo tôi cứ về trại an tâm tin tưởng cách mạng luôn có tình có lý. Được thả về trại bình an, bạn tù vây quanh thăm hỏi việc gì vậy, tôi trả lời:
- Trung Úy Chính Trị Viên (thay vì nói là cán bộ) kêu tao lên hút thuốc nói chuyện chơi và khen bài viết của tao có thể xuất bản thành sách cải tạo!
Tù cải tạo được cán bộ gọi lên nói chuyện chơi mà không có gì hết thì đúng là “đáng ngờ." Saù đó tôi thật là thoải mái dễ sống, không tên nào dám báo cáo gì hết.

Một hôm, vừa cơm trưa xong tôi bị kêu lên gặp cán bộ. Vẫn viên trung uý chính trị viên lần trước, nhưng lần này anh ta không ngồi văn phòng mà đứng sẵn trên bậc thềm khu cơ quan đón tôi. Sau màn chào hỏi, anh ta vui vẻ dẫn tôi lại văn phòng thuộc khu của trưởng trại, bảo tôi chờ phía ngoài. Anh ta vào phòng một lát rồi đi ra, bảo tôi bảo “Hôm nay anh sẽ làm việc với đồng chí bí thư, tôi sẽ gặp anh sau.“ Nói xong, viên trung uý ra dấu cho tôi đi tới phía văn phòng cửa mở sẵn rồi bỏ đi.. Tôi đứng lại tần ngần bên cửa, đang tự hỏi không hiểu chuyện gì thì từ trong phòng, một giọng nữ miền nam vang ra:
- Anh vô đi.
Giọng nói có vẻ lạ. Tôi bước vào phòng. Không thấy ai. Bàn làm việc ghế ngồi bỏ trống. Vẫn cái giọng nữ ấy vang lên phía sau tôi.
- Anh ngó lui coi. Tôi ở đây.
Giọng nói vang lên ngay bên cửa, nơi tôi vừa bước qua. Không phải khăn rằn. Cũng không bà ba đen. Một cô mặc áo sơ mi trắng ngắn tay bó sát chưa quá ba mươi tuổi đứng khoanh tay bên cửa. Cô ta nhìn thẳng vào mặt tôi:
- Anh không nhớ tôi đâu nhưng tôi biết anh. Tôi biết anh đánh lộn trong trại. Tôi biết anh khai lý lịch xạo.
A, phút nguy hiểm đã tới. Thì ra cái người mà viên trung uý gọi là “đồng chí bí thư” là cô này. Phải coi cô ta là thứ người gì rồi mới liệu đường mà thoát hiểm. Ai đây? Động nào, bars nào. Có phải mấy cô tôi từng gặp ở làng Cam Ranh hay ở bến bờ nào đây?
- Anh đang cố nhớ mà không thể nhớ ra. Tôi không ở những nơi mà anh đang nghĩ đâu.. Anh cứ nhìn tôi coi có nhớ gì không?
Cô ta vẫn đứng yên bên cửa, vẫn khoanh tay nhìn tôi và như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi. Có vẻ thấy tôi giống như con nai vàng ngơ ngác giữa trời mùa đông, cô ta nhắc lại điều vừa nói:
- Anh đừng cố tìm tôi trong những chỗ anh thường lui tới. Tôi không phải loại đó. Thong thả, tôi sẽ nhắc cho anh nhớ. Chúng ta chỉ gặp nhau một lần.

Biết tôi không thể nhớ ra gì hơn. Cô ta tiếp tục:
- Có lẽ chưa đầy 30 phút. Nhưng tôi biết về anh. Tôi đã coi tất cả hồ sơ của anh. Bao năm qua, tôi vẫn quyết phải tìm cho ra anh. Đầu tháng Năm, sau khi ổn định tình hình; tôi lên Sài Gòn vào Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Giấy tờ hồ sơ của hải quân còn đầy đủ cả. Một người của chúng tôi nằm vùng ở phòng tổng quản trị đưa cho tôi danh sách những người trình diện; còn anh ta thì tìm giúp tôi danh sách các quân nhân hải quân trước 75. Có ba người trùng tên anh, tất cả đều là sĩ quan. Một Trung tá là người Bắc di cư; một Trung úy người Nam và một thiếu úy người miền Trung. Tôi biết anh người Nam. Trong danh sách sĩ quan hải quân trình diện, tôi tìm thấy tên anh, một Trung úy người Nam, địa chỉ Tân Vạn Biên Hòa. Tôi lên ngay Biên Hòa thì công an xã cho biết anh bỏ cây xăng trốn đi đâu không biết. Anh đâu có trốn khỏi tay tôi.
À, đúng là một tay nguy hiểm. Không hiểu mình gây thù chuốc oán gì mà bị săn lùng tới mức này. Chắc phải giả ngây giả dại mới qua khỏi ải này, tôi nghĩ. Cô ta nói tiếp:
- Tôi biết anh đã trình diện. Sau khi có lệnh tập trung cải tạo tôi tìm hầu hết các trại cải tạo miền Tây và đến Mỹ Tho nầy thì thấy tên anh; Lý lịch anh khai ở trại này toàn là thứ ba xạo, đúng chưa? Con trai độc nhất trong nhà như anh thì đào đâu ra mà có anh ruột là Thương Uý tập kết tử trận ở Cà Mau. Anh muốn tôi kể thêm nữa không?
- Cô... Cán bộ. Cô...

Thấy “con mồi” đứng lơ ngơ chịu trận, cô ta có vẻ hài lòng, thong thả rời chỗ đứng về lại bàn rồi bảo tôi:
-Trong trại này anh còn dám đánh lộn rồi còn tuyên bố chẳng cần được thả sớm. Anh “chì” lắm ma, sao nay ú ớ vậy. Thôi, ngồi xuống đi. Bây giờ chú ý nghe tôi nhắc. Anh nhớ Năm Căn không? Nhớ đi...
- Năm Căn Cà Mau?
- Còn Năm Căn nào nữa. Ngày ấy anh chỉ là một anh thuỷ thủ quèn mà làm tàng... Nhớ đi. Rán coi. Tôi nhắc thêm nghe. Thấy trên cánh tay bọn tôi có bốn dấu xâm, anh ba hoa giảng lung tung rồi bảo chúng tôi đi đi, mau mau về nhà lo làm ăn mà kiếm tấm chồng...
....

À á. Năm Căn. Bốn vết xâm. Tôi bắt đầu nhớ. Chuyện đã mưới mấy năm trước, hồi tôi mới vào lính. Sau 2 tháng được huyến luyện quân sự ở Nha Trang, tôi xuống chiếc tàu Há Mồm ( HQ. 500) làm thủy thủ tập sự và được tham dự "Chiến dịch Sống Tình Thương" ở quận Năm Căn, tỉnh Cà Mau; Đây là nơi mà khi tàu ủi bãi, có mấy đứa con nít đến, dơ tay gõ vào thành tàu rồi la lên “bằng sắt thiệt tụi bây ơi"; Chúng tôi thấy lạ kỳ nên hỏi vậy chớ các em nghĩ tàu làm bằng gì. Bọn nhỏ nói các ảnh nói tàu làm bằng cạc tông.
Cũng trong chiến dịch này, có bữa địa phương quân đưa xuống tàu chúng tôi ba nữ giao liên gửi cho hải quân giữ chờ hải thuyền đến chở giao về tỉnh Cà Mau. Chiến dịch chấm dứt, tàu tôi được lệnh phải đi công tác khẩn chuyển quân ra miền Trung. Chỉ huy tàu bảo ba cô giao liên chỉ là bọn con nít, chẳng biết gì, cho lệnh phóng thích luôn. Tôi đang phiên gác với một ông Trung sĩ nên được lệnh xuống phòng tạm trú dẫn ba cô lên bờ thả cho đi. Đúng là cả ba đều con nít, hai cô 15 tuổi, cô lớn chắc cũng chỉ 16, 17 tuổi. Thấy trên cánh tay các cô có 4 dấu xâm, tôi nói:
" Các cô có biết 4 dấu chấm xâm trên cánh tay ý nghĩa là gì không? Sinh Bắc Tử Nam là để cho người miền Bắc vượt tuyến vào Nam thề chiến đấu cho đến chết vì Bác vì Đảng. Các cô sinh ở miền Nam không lẽ Sinh Nam Tử Bắc hay Sinh Nam Tử Nam thì chống lại với người Miền Bắc hay sao? Về xóa hết đi lo làm ăn kiếm tấm chồng mà sống cho bình thường. Chuyện đánh nhau là chuyện của đàn ông, con trai đừng xía vào cho khổ thân.”
Không lẽ chỉ nói chừng đó mà thành mối hận để bay giờ phải trả. Thấy tôi nín thinh, cô cán bộ áo trắng nhắc tiếp:
“Anh nhớ thêm đi. Lúc anh bảo ba cô đi đi, tôi không chịu đi mà đòi anh đem giao chúng tôi cho tỉnh Cà Mau. Anh hỏi tại sao thả mà không chịu đi mà đòi giao cho tỉnh. Tôi nói chứ không phải thả đi để các anh bắn từ phía sau lưng hay sao? Anh phá ra cười rồi hỏi ai bảo các cô vậy? Tôi nói nghe các anh lớn nói. Anh hỏi lại nếu thả để bắn sau lưng thì còn ai sống mà kể lại cho các anh lớn biết. Rồi anh tiếp là chẳng những hải quân mà tất cả các binh chủng khác cũng không có binh chủng nào thả người rồi bắn sau lưng. Anh còn nói bắt người thì phải đưa ra tòa xét xử, nếu có tội thì phạt tù chỉ khi nào giết nhiều người, làm hại nhiều người thì mới bị kết tội tử hình công khai chứ không bao giờ bắn sau lưng cả. Anh nhớ ra chưa?

Thấy giọng cô ta bỗng như dịu lại, không có vẻ gì là hằn thù, tôi làm bộ như vừa chợt nhớ ra và kêu:
- A...A... Cô có thể cười cho tôi coi không?
- Có lẽ anh đang nhớ ra rồi; vì ngày đó anh có khen tôi cười có hai núm đồng tiền nên dễ kiếm chồng lắm.
Cô ta nhìn thẳng vào mặt tôi và cười. Hai núm đồng tiền, bên phải sâu hơn bên trái.
- Đúng rồi. Đúng cái mặt cười năm xưa. Tôi nhớ sau khi tôi khen cô bé còn nguýt tôi một cái thật dài. Tôi nhớ hoài cái nguýt dài ấy.
- Ở đó mà cô bé, cô bé....
Tức thì thêm một cái nguýt dài trên mặt cô cán bộ. Đôi má núm đồng tiền bỗng như linh động hơn.
Sau cái cười và cái nguýt dài của cô cán bộ áo trắng, tôi cảm thấy nhẹ người.
- Anh nhìn lại coi. Hơn 12 năm rồi. Đâu còn con bé nào ở đây.
Đến lượt tôi cũng nhìn thẳng vào mắt cô ta và cười. Câu chuyện từ lúc này bắt đầu thấy dễ chịu. Tôi nói:
- Sau khi đưa các cô tới gần cái chợ nhỏ bên sông, thấy chỗ an toàn, tôi mới bảo các cô đi đi. Khi các cô đi qua khu chợ, tôi còn đi theo một đoạn canh chừng. Không thấy cô ngó lui.
- Tôi không ngó lui nhưng biết anh đi theo... Chắc anh không thể ngờ là khi về nhà rồi, ngay ngày hôm sau tôi còn trở lại khu bến sông ấy, nhưng tàu của anh đã đi rồi.

- Tôi có nghe viên trung uý vừa rồi gọi cô là đồng chí bí thư. Chắc cô đã là đảng viên lâu năm.
- Vậy là anh đã nghe. Đúng là tôi đã 12 tuổi đảng. Ngay khi trở về, tôi được kết nạp đảng. Sau đó được chuyển về làm công tác nội thành, theo dõi thầy cô và hiệu đoàn học sinh trường trung học Cà Mau nên tôi học thi lại Tú tài 1 và năm 65, tôi đậu luôn Tú Tài 2. Sau đó ít lâu, tôi chuyển về công tác nằm vùng tại đại học Long Xuyên cho tới ngày giải phóng. Anh không biết là bao năm qua, tôi vẫn tin là sẽ có ngày tôi gặp lại anh...
Tôi nói:
- Thì chúng ta đang gặp nhau ở đây... Hôm nay tôi đã là người tù. Cô là người thắng trận. Ngày ấy, thấy trên cánh tay các cô có mấy vết xâm, tôi lỡ nói mấy câu gì đó. Mong cô không để tâm..
- Anh khỏi cần phải mong. Mấy câu anh nói ngày ấy tôi không bao giờ quên. Hôm nay tôi cố ý mang áo sơ mi ngắn tay để anh thấy trên tay tôi không còn vết xâm nữa. Tôi đã xoá bỏ chúng từ lâu. Anh thấy chưa, không còn dấu vết hay để thẹo gì cả.
Cô ta vừa nói vừa đưa cánh tay ra. Thấy tôi im lặng, cô ta nói luôn:
- Anh không cần phải sợ tôi. Hơn 12 năm trước, khi trở lại bến sông ở Năm Căn tìm anh, tôi chỉ muốn anh biết là tôi cám ơn anh. Hôm nay cũng vậy. Trước đây, khi bắt đầu đi tìm tung tích anh, tôi chỉ mong một lần gặp lại coi anh sống ra sao, vợ con dùm đề thế nào. Khi coi hồ sơ, tôi đến địa chỉ ghi trong lý lịch thì ra là nhà của ông ngoại anh chứ không phải nhà của mẹ anh. Tôi hỏi địa chỉ và đến thăm mẹ anh ở xóm Tân Vạn. Chính bà than phiền với tôi là cho đến nay anh vẫn còn độc thân. Nhìn hình trong nhà, tôi nhận ra anh ngay. Bao năm qua, tôi không thể quên ánh mắt tinh nghịch nụ cười nửa miệng của anh. Mẹ anh kể là mấy cô bạn anh toàn là gái giang hồ, bán bar. Anh sợ lập gia đình nên không dám quen gái nhà lành. Mẹ anh nói có lần bà bảo anh cưới cô giáo nhà bên cạnh nhưng anh nói không muốn có vợ vì sợ phải nuôi con thiên hạ. Anh biết vì sao mẹ anh kể tôi nghe mọi chuyện về anh không?
- Vì cô hỏi thì bà kể. Mấy chuyện đó có gì đâu mà mẹ tôi phải dấu.
- Không phải vì tôi hỏi mà mẹ anh rất thương tôi, tự bà kể ra. Bà muốn tôi phải biết tất cả về anh. Tại sao anh biết không? Tại tôi nói với mẹ anh rằng tôi là người anh thương của anh. Anh đã tính đưa tôi về ra mắt mẹ nhưng chưa kịp làm. Tôi không chỉ nói mà còn ở lại với mẹ anh hai ngày hai đêm. Bà nói với tôi không sót điều gì, từ ba anh tới bà con chú bác dòng họ. Mẹ anh còn nói bà thiệt mừng khi thấy tôi tự đến ra mắt bà. Hôm nay gặp lại anh, chúng ta không có nhiều thì giờ để vòng vo nên tôi phải nói luôn với anh chuyện này. Tôi thật lòng muốn làm bạn với anh.
Một cô cán bộ 12 tuổi đảng muốn làm bạn với tôi. Chuyện thật khó tin.. Tôi nói:
- Cám ơn cô nhưng tôi chỉ là một tên tù không biết ngày nào về, làm sao có thể là bạn của cô được.
- Ngày xưa anh từng mang tôi ra khỏi nhà tù, lần này, đến phiên tôi sẽ cứu anh ra khỏi nơi này.

Chuyện tưởng như đùa nhưng cô ta nói nghe chắc như ăn bắp. Tôi từng nghe chuyện lý lịch với phía cộng sản là sinh tử. Có nhiều cán bộ cao cấp tập kết ra Bắc nay thấy con cháu đi tù cải tạo mà ngó lơ, không ai dám dỡn mặt với kỷ luật đảng. Tại sao cô cán bộ này dám nói ra miệng là sẽ ra tay cứu mình. Cô ta là thứ bí thư gì vậy. Âm mưu gì đây mà cô ta phải tìm đến ở với mẹ tôi mấy ngày đêm để nắm hết lý lịch bí ẩn của tôi. Mẹ tôi vốn cả tin. Chưa bao giờ tôi mang bất cứ người cô nào về nhà ra mắt mẹ. Nay thấy một cô gái có vẻ con nhà lành dễ thương tới xưng là người tình của thằng con, bảo sao bà ta không tin ngay mà thương. Nhưng tôi đâu có khờ như bà mẹ mình được. Tôi nói:
- Cô đã biết hết lý lịch thật của tôi. Tất cả rồi sẽ bị phanh phui, chắc tôi sẽ khó sống. Cô tuy có 12 tuổi đảng nhưng dính đến tôi sẽ có ngày liên lụy. Xin cô tha cho tôi.
Cô ta cười to và nói:
- Anh khỏi lo dùm tôi. Tôi đã hứa là sẽ làm. Anh cứ sống bình thường như mọi người trong trại là được rồi.
Cô ta đưa cho tôi một túi quà và nói:
- Đây là quà của riêng tôi biếu anh. Mẹ anh cũng muốn gửi quà nhưng tôi nói bà cứ giữ đó. Tháng tới tôi sẽ đưa bà lên thăm anh. Thôi, anh về đi. Trưởng Trại có lẽ sắp trở lại.
Tôi nhận gói quà, chào cô ta ra về mà gần như người mất hồn. Về tới trại giam, tôi chỉ trả lời qua loa trước những lời dò hỏi của bạn tù.

Đúng như lời hẹn, tháng sau cô ta đi cùng với mẹ tôi lên thăm. Không phải thăm riêng mà bình thường như bao người cải tạo khác. Cùng gặp một lúc tại nhà thăm nuôi, chỉ 15 phút... Mọi lời lẽ tù nói với người thăm gặp phải diễn ra trước mặt viên cán bộ phụ trách. Từ đó, cô ta tiếp tục đi cùng mẹ tôi đến thăm tôi hàng tháng. Chẳng thể nói gì, tôi đành phó mặt cho số mệnh. Thấy cô cán bộ 12 tuổi đảng đóng vai phó thường dân ngồi cười cười bên bà mẹ thăm nuôi, tôi nổi tánh lì, trò chuyện tự nhiên, đôi khi còn chọc cười như ngày xưa ở các bars hay động. Tôi còn gì để mất? Cô ta muốn gì ở tôi? Tôi có gì để mà lợi dụng? Thôi thì phó mặc cho số phận.
Tháng Một năm 1976, một buổi chiều vừa ăn cơm xong, sắp tới giờ điểm danh vô chuồng, bỗng có cán bộ cầm danh sách đến gọi đúng tên tôi bảo thu dọn gọn lẹ đồ đạc cá nhân mang theo ra điểm danh.
Bất ngờ gọi tên lúc chiều tối hẳn không phải lệnh tha. Thu dọn đồ đạc mang theo kiểu này chỉ có thể là chuyện trại. Nơi tập họp điểm danh là sân trại. Số tù được gọi ra điểm danh có hai mươi mấy mạng, trong số này có tên chỉ còn anh chỉ còn một chân. Một cán bộ trẻ mang lon thiếu uý dẫn chúng tôi đi ra cổng. Không thấy xe cộ gì. Cả bọn cuộc bộ, không thấy có quản chế súng ống kèm sát như khi đi lao động. Một tên đánh bạo hỏi:
- Chúng tôi đi đâu đây cán bộ?
- Đi tới nơi làm lệnh tha.
- Tha về hả cán bộ?
- Bộ tha rồi không về ở lại ăn hại à?
Cả bọn nửa tin nửa ngờ; Trời bắt đầu tối. Thả vào giờ nầy, xe cộ đâu mà về?

Cả bọn được dẫn ra đến nhà thăm nuôi. Đèn được thắp sáng. Có viên trung uý xưng là chánh trị viên tôi từng gặp đợi sẵn. Thấy tôi trong đoàn người, anh ta cười ra vẻ “hồ hởi” bảo hôm nay anh sẽ thấy cách mạng luôn có tình có lý. Các anh tập trung lại bàn thăm nuôi khai lại địa chỉ và người nhà cho chính xác một lần, sau đó sẽ nghe đồng chí trại trưởng tới nói chuyện.
Chừng nửa giờ sau, Đại Úy Trưởng Trại ra tuyên bố:
- Các anh thuộc diện gia đình cách mạng được bảo lãnh cho về; Kể từ giờ phút nầy tuyệt đối không được liên lạc với những người trong trại; Từ đêm nay các anh ăn ngủ tạm tại nhà thăm nuôi này. Cán bộ sẽ phát mền chiếu v, gạo và lương thực để các anh tự nấu nướng. Ngày mai sẽ làm thủ tục nhận lại đồ ký gởi và lệnh tha. Sau đó chờ liên lạc, gặp gỡ thân nhân bảo lãnh và làm lễ ra trại... Trong mấy bữa chờ làm lễ, các anh tuyệt đối không được liên lạc với các trại viên cũ.
Hôm sau, cả bọn được tập trung lên cơ quan nhận lệnh tha, tiền và đồ dùng ký gửi. Riêng phần tôi, kiểm lại thấy còn vài trăm bạc mới. Ba ngày sau, đã thấy đoàn người thân nhân trong đó có bà mẹ tôi có mặt tại nhà thăm nuôi. Hai mươi mấy tên tù được tha, kể cả tôi, hầu hết đều do mẹ là người bảo lãnh.
Cán bộ ra đưa cho một số tiền để mua thức ăn làm bữa tiệc chia tay. Một bà mẹ đến từ Cao Lãnh nghe nói trước là chủ nhập cảng các loại máy ghe tàu, “xung phong” nhận sẽ “ủng hộ” thêm tiền chợ và còn tình nguyện lãnh đi chợ dùm. Bà ta hỏi có thể cho một hay hai người đi theo mang phụ thức ăn. Cán bộ nói:
- Bây giờ thì các anh có thể đi tự do; muốn mấy người theo cũng được.
Thế là khu chợ gần Trại Cải Tạo Vườn Đào được một buổi chợ trúng mối. Heo, gà, vịt, tôm càng, cá... rau cải mua nguyên thúng, nguyên sàn, hỏi giá bao nhiêu là mua bấy nhiêu khỏi cần trả giá; tiền chợ được bà chủ Cao Lãnh xuất hầu bao, mớ tiền chợ ít ỏi do trại phát có lẽ được bà mẹ nầy cất riêng để làm kỷ niệm ngày con được ra tù.
Tiệc chia tay thức ăn ê hề nào gỏi, nào ca ri, cá hấp, tôm càng nướng, thịt heo, gà, vịt luộc. Thế rồi tiệc cũng bế mạt. Thức ăn gần như còn nguyên vì ai cũng chỉ nếm cho có vị và cán bộ cũng không dám ăn bửa tiệc giá đáng mấy chục lần số tiền cho để làm tiệc. Mấy Bà xin đem thức ăn cho mấy người trong trại thì cán bộ không cho bảo phải đem chôn hết.

Ra khỏi trại mọi người đứng chờ đón xe Mộc Hóa để về Cai Lậy. Từ phía hàng rào trại, thấy lố nhố người đứng trông ra. Tôi quay lui, cũng không dám nhìn lâu không còn nhận được dáng của đứa nào!.
Tôi nói với Má:
- Mình đi lần, bao giờ có xe thì đón. Chứ đứng đây chờ nhìn vào các bạn trong kia nhìn ra, con thấy bất an!
Tôi và má Tôi đi lần dọc theo lộ. Tất cả gần như thấy vậy cũng đi theo.

*
Là người tù trại Vườn Đào được về sớm, tôi biết thân ở yên với mẹ già. Chòm xóm không thấy làm khó dễ.
Sau khi được trao trả quyền công dân, tôi còn được cử ông Nông Hội Ấp đề nghị tôi làm trung đội trưởng lao động ấp; mọi người vỗ tay táng thành. Thế là từ đó ai thấy tôi đến nhà là biết bị gọi đi lao động không công cho XHCN, nào đào kinh, lấp kinh, rồi nước đọng cây trái bị úng nước, ruộng lúa bị ngập nước không rút kịp lâu ngày cây cối chết, lại phải đi phá đập, vác lúa thu thuế... Tôi không dám nhìn khi thấy bà con nông dân ai cũng đầy nước mắt khi bồ lúa vơi đi hơn phân nửa để đóng thuế. Nghe nói lúa thuế được chở tiếp tế cho Miền Bắc.
Mỗi tháng Cô Bí Thư đều đem nhiều khô mắm từ Cà Mau lên thăm Tôi và ở chơi 3 hay 4 ngày. Cô ta ngủ chung với mẹ tôi, vẫn có vẻ được bà thương mến, tin cẩn. Tôi cũng không nói hay hỏi gì thêm ngoài việc cho mẹ biết là bà đã vô tình đem sói vào nhà vì cô ta là ní bí thư trên 12 tuổi đảng.
Cũng có lần cô ta biệt tăm luôn 3 tháng; rồi một hôm bỗng đến thăm với nhiều quà từ miền Bắc. Cô cho biết vừa đi tập huấn ở Hà Nội về. Tôi hỏi:
- Em sáng mắt ra chưa?
Cô ta lườm và nói:
- Anh chưa thấy quan tài nên chưa biết đổ lệ!

Đầu năm 1980, Cô ta đến thăm và tối hôm đó có mặt mẹ của tôi. Cô ta nói:
- Mẹ muốn em lo cho anh ra đi; nhưng em có điều kiện là anh phải nhận em làm vợ cho đến khi định cư rồi sau đó tùy anh. Em cho anh một tháng để nghĩ suy và trả lời em.
Mẹ tôi khuyên tôi nên nhận cô ta làm vợ vì cô ta thương tôi thật sự. Tôi thì nghĩ không hẳn. Cô ta bỏ nhiều công phu tìm tôi, giúp tôi và nay muốn cùng tôi vượt biên với tư cách là vợ một sĩ quan hải quân để làm gián điệp như bao trường hợp nằm vùng khác, có người làm tài xế, người giúp việc trung thành tận tâm cả chục năm nhưng sau tháng tư đen thì mới lòi mặt thật. Nhưng đâu còn đường nào khác để tính.

Chưa đầy một tháng sau cô ta lên và bảo tôi chỉ đem theo một bộ quần áo gọn nhẹ để mai đi. Tôi hỏi:
- Em chưa biết anh có đồng ý hay không mà bảo ra đi.
- Thông minh như anh thì không bao giờ bỏ mất dịp may, vì anh không mất gì cả, kẻ mất nhiều nhứt là em nhưng là em tự nguyện; Mọi chuyện ra sao sau này anh sẽ biết.
Tôi hỏi cô ta có an toàn không.
- Anh có cần tàu Hải Quân biên phòng hộ tống hay không? Nếu muốn em cũng có cho anh.
Tôi nghe mà khiếp. Chẳng rõ cô ta nói đủa hay nói thật. Cỡ bí thư huyện ủy cung không thể có quyền vào Bộ Tư Lệnh Hải quân xưa để tầm kẻ thù; Không hiểu cô ta là thứ gì? Không ra hải ngoại để nằm vùng hay làm gián điệp thì còn gì nữa? Nghĩ vậy nhưng thôi kệ. Cô ta làm gì hay là ai tính sau, cứ thoát ra khỏi nước cái đã. Thế là chúng tôi từ giã mẹ ra đi.

Tàu vượt biên dài 12 mét mới toanh, máy cũng mới và số người đi là 52 người do một cựu hàng hải thương thuyền ngày xưa lái; nhưng cuối cùng 26 người bị rớt lại vì ghe nhỏ chuyển ra ghe lớn bị chận giữa đường mà trong đó có gia đình tài công. Cô bí thư hỏi:
- Anh lái được chứ ?
- Lái được nhưng không có bản đồ mà chỉ có la bàn thì phải chạy thẳng ra hải phận quốc tế rồi theo hướng Tàu buôn mà lấy hướng đi thì sẽ sang Singapore hay tấp vào các đảo của Indonesia.
Tôi lái suốt 5 ngày đêm mới gặp một ghe đánh cá của Indonesian và hỏi thăm thì được chỉ cho một chỗ cách đó không xa. Tôi lái vào và ở đó một ngày một đêm thì được tàu của Indo đưa đến trại tỵ nạn Kuku. Một tháng sau chúng tôi được đưa sang trại Galang và dĩ nhiên trong lý lịch của Hải quân Trung úy VNCH nay có thêm cô vợ bí mật nhiều phần là gián điệp.

Trên bước đường lưu vong quê người xứ lạ làm thân thất quốc, chúng tôi cô đơn lạc lõng như nhau. Ngày qua ngày cả hai đứa đi học tiếng Anh về nấu cơm chung rồi chung mùng va thành vợ chồng thật.
Ở Galang tôi gặp lại bạn bè quân ngũ xưa; vì gần như mỗi tàu là có đôi ba hải quân xưa được đi không tốn tiền để lái tàu. Quán Trùng Dương là nơi tụ họp để nhận ra nhau kể chuyện xưa và bàn chuyện tương lai. Các cựu hải quân xưa làm sổ lưu niệm giống như thời học trò viết lưu bút ngày xanh cho những tháng nghĩ hè. Lắm ông ghi cả số quân đơn vị xưa và dán cả hình. Ôi các quan lính ơi Tôi mà đem cái sổ nầy về thì e rằng cô bí thư mười mấy tuổi đảng sẽ lén ghi lại hết gởi về Bắc Bộ phủ thì gia đình các ông cũng mà khó sống ở VN!. Tôi từ chối viết sổ lưu niệm và cũng không đến quán hội họp nữa.
Cũng tại trại Galang, tôi có người bạn trước là thiếu úy ngành điện khí được mướn làm người gác máy điện phụ cho một thợ điện người Indo. Anh Indo nầy khá am tường về tình hình VN và có phân tích như sau:
- Các anh vượt biên nghĩ rằng ra ngoại quốc rồi Mỹ sẽ giúp cho thành lập một đoàn quân để trở về dành lại VN. Có lẽ các anh lầm rồi. Mỹ không bao giờ giúp các Anh đâu vì giúp các Anh; Mỹ được lợi gì? Các anh đánh nhau mà nhiều nữ tính quá. Nhân đạo với kẻ thù thì chỉ có con đường chết; Phải như chúng tôi kìa. Chỉ một đêm thôi không một tiếng súng; toàn dùng dao, búa, mã tấu mà giết cho tuyệt giống cộng sản. Chỉ một đêm là xong gần triệu mạng....

Sáu tháng sau chúng tôi được đi định cư. Tôi không tham gia đoàn thể nào, không hội họp với cả hội đồng hương nhưng lúc nào cũng canh chừng cô vợ bí thư đảng viên.
Cô ta cũng như tôi chẳng quen ai; đến cả dùng điện thoại cô ta cũng không sử dụng. Mẹ tôi mất năm 83. Mẹ cô ta mất năm 84. Năm 90 ba tôi và ba của cô ta cùng mất trong một năm. Chúng tôi nhận thư nhưng không về và đến nay cũng chưa về. Chúng tôi đồng ý không có con. Tôi 72 và vợ 70 tuổi; nếu còn ở Việt Nam, cô ta nay đã 52 tuổi đảng, không biết làm tới chức gì.

Mất nước bốn mươi năm, lưu vong hơn 35 năm, chúng tôi chưa bao giờ có ý định về thăm lại quê hương... Trong lòng tôi đã chôn một chế độ và trong lòng vợ tôi cũng chôn một chế độ. Chúng tôi không con nối dòng nên khi chúng tôi chết thì "cả hai chế độ" cũng tan thành tro bụi. Với tôi, vậy là chôn xong hai chế độ. Ngày ấy không xa.
Trần Thiện Phi Hùng

Wednesday, March 20, 2019

Nhạc Sĩ Anh Vũ Và Những Kỷ Niệm Nam Cali

Thân gửi các anh chị PBC một bai viết xưa trong tình thân hữu PBC Phan Thiết....

Cát Biển

Xuân xanh xô cổng chạy dài
Bỏ sương tuyết phủ phượng đài phía sau
(Bùi Giáng)
Tôi còn nhớ 1 câu thơ của Bùi Giáng “Giòng sông chảy, ai người xin níu lại...” Hôm nay với thân xác mệt mỏi của Anh Vũ Võ Đình Dược đã được yên nghỉ sau bao thảm cảnh, những hình ảnh xưa chợt về trong hồn tôi. Chuyến xe của vô thường này có phải chỉ riêng cho Anh Vũ hay chính là 1 quy luật dành sẵn cho tất cả chúng ta?
Bao nhiêu là nắng mưa giông bão xuyên qua hồn người từ một dòng sông trần thế. Trên sông Mường Giang của Phan Thiết ngày xưa ta chợt thấy cuộc sống trần gian xoay chuyển giống như một giòng sông vô thức miệt mài tuôn chảy không bao giờ đứng lại. Mỗi giai đoạn trong cuộc đời như một khúc sông - chỉ là cảnh sắc giả tạm trầm luân của nguyên lý sanh, trụ, dị, diệt. Giòng sông chảy, ai người xin níu lại... Giòng sông Mường Giang với bao kỷ niệm của quê hương chứa đựng hỉ nộ bi thương, cuối cùng mang trôi đi hết những gì vốn là sinh diệt không hằng hữu trong tuần hoàn luân chuyển của vô thường. Tôi chợi liên tưởng tới con sông Hằng thần thánh bên xứ Ấn Độ, nơi mà mọi người Ấn đến rửa tội đầu tiên khi chào đời và rồi thủy liệm lần cuối cùng khi chết. Những thân xác đang trôi nổi vật vờ trên giòng sông Hằng kia hẳn có một thời đam mê chạy theo ham muốn của thế nhân, tình, tiền, danh vọng...giờ phút cuối cùng chỉ là những thịt da tàn rửa với những bộ não vô tri trống rỗng...

Ngày xưa khi các thân hữu Bình Thuận tụ họp về nhà Võ Đình Dược trước kỳ họp Tết 1999, căn nhà của Võ Đình Dược từng là 1 tổ ấm thân yêu với đôi vợ chồng sở hữu 1 nhà hàng và 1 cửa tiệm, cùng với 2 cháu trai có năng khiếu về nhạc, bé Thủy Tiên lúc đó còn rất nhỏ. Chúng tôi tề tựu đông đúc ăn uống ca hát vui đùa thâu đêm đầy tràn tình thân mật quý mến. Tâm, vợ của Dược, là 1 người phụ nữ đảm đang làm ăn lanh lợi, và quán cà phê của Dược cũng là nơi tụ hội thường xuyên giới viết văn của trung tâm Văn Bút Nam Cali. Ngày xưa có những bài thơ đường luật đầu tay Anh Vũ nhờ tôi hướng dẫn. Ngày xưa có bài thơ Thuở Vào Đời của tôi được Anh Vũ phổ nhạc, và bài Phan Bội Châu Hành Khúc do Anh Vũ sáng tác với lời do tôi viết. Nhờ sự giới thiệu của Dược với anh Trần Thy Vân, sau đó tôi cũng đã chính thức gia nhập Văn Bút Tây Nam HK. Anh Trần Thy Vân phải ngồi xe lăn vì 2 chân anh, từng vào sinh ra tử, đã đóng góp kiêu hùng trong màu áo rằn ri cho cuộc chiến quê hương. Tấm lòng của anh vẫn luôn đầy nhiệt huyết không hề bị giới hạn về khiếm khuyết thân thể. Với lòng cảm kích nghỉa khí của người hùng thời chiến này tôi có viết tặng anh 1 bài thơ với tựa đề Anh Hùng Bạt Mạng (cũng là tựa 1 quyển tự truyện nỗi tiếng của anh).
Trong thời gian hoạt động với nhóm Văn Bút tôi cũng có dịp quen biết với nhiều anh chị văn thi nhạc sĩ vùng Nam Cali (Quận Cam và San Diego) trong tình tri âm văn nghệ. Vùng San Diego quy tụ rất nhiều nhân tài không thua gì Quận Cam. Tôi vẫn còn giữ lại các hình ảnh sinh hoạt chung thân vui thời đó trong lòng mình đầy trân quý.
Bẳng đi 1 thời gian rời xa Nam Cali và các hoạt động thân thương của bằng hữu. Một hôm nhìn lại có cô Thu Nhi từng là Hội trưởng Hội Bình Thuận nhiệm kỳ trước tôi đã xuất gia về cửa Phật. Các vị Cố Vấn Hội BT và một số thành viên hăng hái cũng từ từ vắng đi vì đủ lý do sanh lão bệnh tử. Mấy năm gần đây tôi có nghe tin đầy kinh ngạc là vợ Dược lìa trần do chứng bệnh ung thư phổi, để lại ba cháu bé cho Dược tần tảo chăm lo. Rồi quán cà phê đóng cửa, thu nhập không còn, Dược đối diện với cảnh nhà sắp bị tịch thâu nên phải nhận việc làm sơn nhà. Từ đấy Dược cũng lại khám phá ra chứng bệnh phổi cũng đang hoành hành trong thân thể. Chỉ mới vài năm mà khúc sông đời thay đổi đầy bất ngờ cho gia đình Dược.
Khi Dược cho biết tình trạng sức khỏe đã trầm trọng và một cái chết rất gần kề, các đồng môn Cựu học sinh Phan Bội Châu Phan Thiết khắp 5 Châu đã vận động cứu trợ cả về vật chất lẫn tinh thần. Rồi nhờ tấm chân tình của nhóm Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, gồm Việt Hải, Cao Minh Hưng, Thúy Vinh, Khiếu Long, Minh Tuấn, MC Minh Phương cùng bắt tay hợp tác với nhóm CHS Phan Bội Châu vận động 1 buổi gây quỹ cứu trợ gia đình Anh Vũ VĐD. Chúng ta đã thấy được nghỉa cử đóng góp cao đẹp của nhiều người.
Dịp này tôi có viết 1 bài thơ tặng Dược, được nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu (Paris) phổ nhạc và làm hòa âm cấp tốc để kịp cho đôi song ca Lan Hương và Xuân Thanh trình bày trong đêm đó, nhưng rất tiếc chương trình rất đầy các tiết mục kéo dài cho tới khuya nên bài hát không có duyên góp mặt. Xin ghi lại chút kỷ niệm này với Anh Vũ Võ Đình Dược.

Nắng Ấm Tình Thương

Vệt nắng tàn theo bóng chiều
Hồn hoang gió mưa đã nhiều
Bạn thương nối tay bên trời
Gửi tình sông đến biển khơi

Đời qua chuyến toa xe dài
Chạy khua những song sắt rầy
Đèn đêm bóng nghiêng thân gầy
Miệt mài những bước trần ai

Lời nào xoa dịu niềm đau
Đêm nào vòm trăng ước nguyện
Mộng vàng ngày Xuân ẩn hiện
Đây tình huyền diệu cho nhau

Tình thương nắng tươi hoa lòng
Còn hương giữa nhân gian này
Tình thân gửi trao thật đầy
Vô thường một cõi hư không 
Hôm nay khi làn khói trầm hương tan quyện vào hư không cùng với tiếng kinh cầu siêu thoát, khi thân xác của Dược chỉ còn là 1 nhóm tro nhỏ bé sau khi qua cao độ nóng cháy của phòng thiêu, xin được ghi lại nơi đây vài dòng thơ, có lẽ không riêng gì cho Dược mà cùng cho tất tả chúng ta, vì ở thế gian này khi có sinh tất phải có diệt.

Về Lại Với Ta

Làm sao thường giữa vô thường
Làm sao an lạc khi thương ghét đầy
Làm sao tỉnh những mê say
Làm sao bắt giữ tháng ngày đã qua

Một ngày tìm lại thân ta
Chuyến xe quá khứ bóng tà cuốn đi
Trăm năm mộng ảo biệt ly
Đong đầy nước mắt thấy gì giả chân

Sao mong cầu giữa thế nhân
Sao còn mở cổng cho quân chiếm thành
Sao lòng yêu chút vọng danh
Sao phung phí vốn chẳng dành mai sau

Về ta tìm lại với ta
Thân đeo hạt ngọc sao là ăn xin
Về bên suối mát niềm tin
Huệ tâm rộng mở lung linh giữa trời
Xin cầu nguyện hương linh Dược được an vui miền Cực Lạc, và ghi nhận tấm lòng của rất nhiều anh chị em thi văn nghệ sĩ đã cùng chân thành tiễn đưa Dược.
Cát Biển

Monday, March 18, 2019

THẾ GIỚI CHỈ CÓ HAI DÂN TỘC “LƯU VONG”, ĐÓ LÀ DO THÁI và VIET NAM !!

Người Việt bây giờ đã được Quốc Tế TRỌNG VỌNG.
Một NỮ du khách VN (coi hình thì chắc không xấu, có vẻ CÓ HỌC và KHÔNG NGHÈO) đang shopping thì bị HƠI NGỨA TAY thì có liền 2 Nữ CẢNH SÁT nước SỞ TẠI DÌU ĐI VÌ SỢ CÔ TA (HAY BÀ TA) CHẠY TÉ.

“Vùng lên, non sông VN Anh Hùng” Tùng..Tùng..Tùng..

1.Trong lịch sử nhân loại, có hai dân tộc chịu số phận bi thảm hơn các dân tộc khác. Rất không may, một trong hai lại là dân tộc Việt chúng ta. Một trong hai còn lại là Do Thái.
Cái “lỗi” của dân tộc Do Thái là sinh ra Chúa rồi hành hình Chúa trên thập giá. Họ đã bị kỳ thị, xua đuổi, bị truy bức giết hại và lưu vong khắp nơi. Năm 1947, cái dân tộc rã rời nát vụn đó đã cùng nhau gom góp từng đồng tiền, từng mảnh đất để gầy dựng lại quốc gia của mình. Định mệnh bi thảm của dân tộc đã khiến họ gắn kết với nhau thành một khối, nhờ đó quốc gia Israel đã phát triển không ngừng. Một mình họ đã đánh bại quân đội của liên minh các nước Ả rập để bảo vệ sự tồn vong của đất nước. Và giờ, họ đã có bom nguyên tử…
Khác với dân tộc Do Thái lưu vong hơn ngàn năm trước, dân Việt chỉ bắt đầu lưu vong đại trà từ sau 30-4-1975. Dân tộc này không hành hình Chúa nhưng vẫn phải chịu một định mệnh bi thảm không kém. Cuộc chiến tranh giữa hai miền anh em với vũ khí bom đạn của ngoại bang kết thúc, đất nước được gom về một mối những tưởng sẽ bắt đầu một thời đại vàng son, nhưng không ngờ, thời đại đó biến thành một cuộc phân ly bi thảm..
Vượt qua cả dân tộc Do Thái, người Việt “vươn lên” dẫn đầu lịch sử lưu vong của nhân loại bằng cuộc di cư chính trị quy mô nhất về mặt số lượng từ trước đến nay. Hàng triệu người đã lao ra biển trên những chiếc tàu đánh cá các loại để thoát khỏi đất mẹ của mình, chấp nhận cả cái chết để… lưu vong. Một phần của dân tộc đã làm mồi cho cướp biển cho cá mập và bị nhốt trong những trại tị nạn nghẹt thở ở các nước Đông Nam Á đồng liêu.
Cuộc di cư khốc liệt của người Việt đã đưa họ đến khắp nơi trên thế giới, kể cả châu Phi, điều mà trước 1975, cả hai miền Nam Bắc đều không hề có. Tâm thức lưu vong kể từ mốc thời gian đó, đã phục kích trong các tầng lớp dân Việt, đóng đinh trong đầu họ cho đến tận ngày nay, không ngơi nghỉ và không có cơ hội để chấm dứt…
2.. Sau 30-4-1975, ở Phan Thiết quê tôi, người vượt biên bằng đường biển rất nhiều do thành phố này sống bằng kinh tế biển với rất nhiều tàu đánh cá. Người Phan Thiết không chỉ giúp “đồng bọn” quê mình vượt biển mà còn giúp cả dân Sài Gòn, với giá vài ba cây vàng/người, có khi chủ tàu chỉ thu đủ sở hụi để mua dầu, thực phẩm và đút lót cho bộ đội biên phòng. Có nguyên một làng chài hay cả xóm đạo vượt biên sạch.
Sau đó, khi đất nước đói meo, thì những người vượt biên bắt đầu góp phần gầy dựng quê nhà bằng… những thùng hàng gởi về từ nước ngoài. Dân quê tôi gọi đó là hàng thùng. Một người vượt biên thoát được qua nước ngoài thì cả gia đình được nhờ, cả gia đình cùng thoát thì dòng họ được nhờ. Dân sống bằng hàng thùng chả cần làm gì vẫn phong lưu vì nhận hàng thùng đều đặn gởi về. Gia đình nào sống bằng hàng thùng thì con trai rất dễ lấy vợ và con gái, dù xấu, cũng rất dễ lấy chồng. Tâm thế chờ đợi hàng Mỹ, hàng Tây đã ăn sâu từ đó vào ký ức của cộng đồng. Không chỉ chờ đợi hàng thùng và đô la từ nước ngoài, người thân trong nước của các Việt kiều thường xuyên sống trong tâm trạng chờ đợi được bảo lãnh. Gặp nhau là họ hỏi thăm nhau bằng một câu cửa miệng: “bao giờ đi?” Đi ở đây chính là lưu vong, là thoát khỏi nơi họ chôn nhao cắt rún!
3. Năm 2017, tôi đi du lịch Mỹ để thăm thú bạn bè định cư ở đất nước này. Ngày tôi đi cũng là ngày một nhà báo đồng nghiệp rất thân với tôi tại Đài phát thanh “TPHCM” xách va ly qua Mỹ để… lưu vong. Anh đã nghỉ hưu và được gia đình bảo lãnh. Rất nhiều nhà báo mà tôi quen biết khi về hưu đã sang Mỹ định cư, coi việc lưu vong là điều hết sức bình thường. Ai thắc mắc tuổi già còn sang Mỹ để làm gì, cứ hỏi họ đi rồi sẽ nhận được câu trả lời.
Tại Mỹ, tôi ghé San Jose thăm L.Hoàng, bạn học thời trung học của tôi ở Phan Thiết. Năm 1977, trong khi tôi đi bộ đội thì Hoàng vượt biên. Cậu qua Mỹ rồi tiếp tục học hành để lấy bằng kỹ sư, giờ cậu là trưởng một bộ phận trong một công ty có 5,000 căn phong cho thuê. Cậu ở trong khu da trắng, với một ngôi nhà trị giá $800,000 và lái chiếc “Mẹc” 7 chỗ.
Mười bảy tuổi, Hoàng đã là nhà tổ chức vượt biên cho người khác và từng vô tù ngồi 6 tháng. Sau khi tổ chức nhiều chuyến tàu vượt biển thành công, cậu cùng 5 anh chị em của mình quyết định ra đi. Giờ họ cùng nhau sinh sống trên đất Mỹ. Hoàng bảo tôi khi gặp lại, rằng gia đình cậu lúc đó nghèo quá và thấy đất nước cũng nghèo quá nên vượt biên là con đường duy nhất mà cậu buộc phải lựa chọn. Cậu bảo,“tao đâu muốn sống lưu vong, nhưng không vượt biên làm sao có tương lai. Nước Mỹ lúc đó là miền đất hứa và họ đã cưu mang tao nên cuối cùng tao cũng quen với cuộc sống bên này.”
Đã có 3 thế hệ người Việt sống lưu vong trên đất Mỹ, thế hệ thứ nhất là những người bỏ chạy khỏi nước khi quân đội miền Bắc tràn vào Sài Gòn và những người vượt biển. Thế hệ thứ hai là các sĩ quan VNCH và gia đình họ qua đây theo diện HO cùng với những người được thế hệ thứ nhất bảo lãnh. Thế hệ thứ 3 là con em người Việt sang du học, tìm kiếm việc làm, định cư và bảo lãnh cha mẹ. Trong số cha mẹ này có rất nhiều cán bộ nhà nước, họ đầu tư tiền bạc cho con cái ăn học, mua nhà cửa, gởi tiền vào tài khoản ngân hàng và chờ đợi thời cơ để… lưu vong. Tiền họ có được, dĩ nhiên đến từ túi của nhân dân, vì lương tháng của Thủ tướng Việt Nam chưa tới 20 triệu đồng Việt Nam (khoảng $850) thì họ lấy gì để nuôi con du học?
4. Mỗi năm, người Việt trong nước bỏ tiền tỉ đô la để mua nhà ở Mỹ.. Ai có khả năng này? Chỉ có cán bộ và doanh nhân. Ở một thành phố của quận Cam, có cả một” ngôi làng” của cán bộ nhà nước. Họ chuyên sống bằng hồn của Trương Ba nhưng da hàng thịt. Họ ở Việt Nam, làm việc trong bộ máy của chế độ nhưng tâm hồn thì để trong những ngôi nhà ở Mỹ. Ở đó có con cháu họ chờ sẵn. Giống như Võ Kim Cự Formosa vậy, nếu cần thiết lên đường xuất ngoại là đi thôi. Tiền đã gởi, nhà đã mua, con cháu đã chuẩn bị đón chào. Tôi biết Tổng biên tập một tờ báo nọ, vẫn đương chức ở Việt Nam nhưng đã có thẻ xanh ở Mỹ. Tổng biên tập phải là đảng viên, nhưng chuyện này dễ ẹt, một khi lòng người đã muốn… lưu vong thì không có gì là không thể.
Có Tổng biên tập một tờ báo chửi Mỹ không còn nước non gì, thế mà cuối đời xách đít qua Mỹ để sống… lưu vong.
Các nhà báo đàn anh tôi, cùng lứa tuổi tôi hoặc nhỏ hơn ở Sài gòn, bằng cách này cách khác, đều gởi con du học Mỹ hoặc Úc. Đó là tương lai mới không chỉ cho con cái họ mà cho cả họ. Giờ họ là công dân Việt Nam nhưng mai mốt đây họ sẽ là công dân Mỹ Úc, nếu muốn. Cả đất nước đều như vậy. Nhiều công dân Việt hiện nay đã lên kế hoạch cho cuộc sống tương lai của mình không gắn với Việt Nam. Dân thường, cán bộ viên chức, nhà văn nhà báo, lãnh đạo cấp cao…vân vân.
Không từ một tầng lớp nào. Ai dám chắc rằng các lãnh đạo cao cấp ko chọn trước cho mình một chỗ để… lưu vong khi cần thiết. Cuộc đời, thời cuộc mà, đâu nói trước được điều gì.. Người thân Mỹ chọn chỗ sẵn ở Mỹ, người thân Tàu chọn chỗ sẵn ở Tàu. Có biến là ‘dzọt’ thôi. Vậy thì làm sao trách các công dân Việt thu nhập thấp tìm qua Đài Loan hay Nhật Bản để… lưu vong bất hợp pháp.
Đã lưu vong thì bình đẳng, giống như sự bình đẳng của con người trong tuyên ngôn nhân quyền vậy, dù người giàu tiền và nghèo tiền thì chọn cách lưu vong khác nhau.
5. Vậy tại sao người Việt lại khát khao… lưu vong như thế? Câu hỏi này quá dễ trả lời bằng câu thành ngữ Việt Nam “đất lành chim đậu.”
Khi đất mẹ không còn lành thì người dân Việt sẽ tìm cách ra đi như một tất yếu để tìm đến mảnh đất lành hơn. Không ai muốn tương lai gia đình con cái mình sống trong môi trường nhiễm độc, nền giáo dục- y tế thiếu chất lượng, sự bất nhất giữa nói và làm của những người điều hành xã hội, sự giả dối lừa lọc nhau giữa người và người, niềm tin cùn mòn vì mọi thứ đều có thể làm giả, từ học vấn giả, nhân cách giả, đến cả lịch sử cũng bị làm giả; những “thành phố đáng sống” thì kẹt xe và ngập nước quanh năm, sinh mạng con người không biết “đứt bóng” lúc nào bởi tai nạn giao thông; dân sinh thì khổ ải, dân chủ và dân quyền thì lắm vấn đề và người dân thì bị cấm đoán nói lên sự thật của đất nước mình…vân vân và vân vân. Đó là chưa kể nỗi sợ hãi bị mai phục và thôn tính đến từ anh bạn vàng ròng láng giềng khổng lồ phương Bắc…
6. Chưa bao giờ tôi muốn sống lưu vong, nhưng tôi lại muốn con cái mình được đào tạo bởi nền giáo dục Mỹ, Úc và đó cũng là nơi sinh sống thật tuyệt cho chúng nếu chúng muốn… lưu vong. Tâm thức cá nhân được định hình từ tâm thức xã hội, do vậy ngay trong bản thân, tôi đã bị tâm thức lưu vong chế ngự, kể từ khi đứa con của tôi bắt đầu xách cặp tới trường để học… tiếng Anh.
Một quốc gia sao có thể hùng cường khi người dân của quốc gia ấy cứ nhấp nhổm… lưu vong và không coi trọng đất nước của mình? Khó có thể gắn kết những con người nhấp nhổm ấy lại với nhau bằng tình cảm quốc gia để đoàn kết như dân Do Thái.
Ai cũng biết rằng, kẻ lưu vong là kẻ bị nhổ bật gốc rễ khỏi quê hương, như bụi lúa bị nhổ bật khỏi ruộng nước. Đó là một nỗi đau từng là điều không chịu nổi đối với người tha hương xa xứ, vậy mà giờ đây, nó đang biến thành một món ăn tâm lý hạng nhất của người Việt chúng ta.
Vì đâu nên nỗi cuộc này, hả người?
Ngoc Vinh

TIẾNG ỒN ÀO CỦA NHỮNG NGƯỜI THẦM LẶNG! Nam Lộc


VOICE Denmark và các thiện nguyện viên trong BTC


Tiềng ồn ào của người thầm lặng, là nhịp đập của những trái tim nhân ái. Là tiếng vỗ tay của những người thưởng ngoạn và là những điện thư chia sẻ đầy tình người. Là những bài viết nói lên sự thật, không mỉa mai, cay cú, và nhất là không bịa đặt hay mạ lị! Tiềng ồn ào của những người thầm lặng, là phần thưởng tinh thần lớn lao dành cho anh chị em chúng tôi gồm 5 người: Nam Lộc, Trịnh Hội, Diễm Liên, Nguyên Khang và Vi Yên (một thực tập sinh đến từ VN), cùng với các thiện nguyện viên và thành viên của VOICE tại nhiều địa phương, trong chuyến lưu diễn qua 5 quốc gia Âu Châu để gây quỹ định cư người tỵ nạn VN đang sống vất vưởng ở Thái Lan cũng như để hợp tác với các cá nhân cùng hội đoàn sở tại, thúc đẩy và vận động với những quốc gia ở Âu Châu cùng quốc hội Liên Âu về tự do, dân chủ và nhân quyền cho quê hương VN.
Trạm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là ở thành phố Oslo, Na Uy ngày thứ Năm 28 tháng Hai, 2019, và bắt đầu với cuộc hội thảo về nhân quyền và luật an ninh mạng ở VN hiện nay (Conference on Human Right and Cyber Law in VN), đồng thời tham dự liên hoan phim tài liệu quốc tế (Oslo International Documentary Film Festival), mà trong đó cuốn phim “Mẹ Vắng Nhà ” do VOICE thực hiện đã hân hạnh được chọn để trình chiếu. Qua tối hôm sau là chương trình nhạc hội “Tiếng Nói và Tương Lai” (Our Voice, Our Future) cùng chủ đề “Hát Cho Đồng Bào Tôi” để gây quỹ giúp định cư người tỵ nạn VN.
Đồng bào tôi ở đây là những người Việt đang sống bình yên tại hải ngoại, đang vất vưởng ở Thái Lan, hay đang bị ngược đãi ở quê nhà! Đồng bào tôi, là những người đã và đang can đảm đứng lên phản đối nhà cầm quyền CSVN đuổi nhà, cướp đất. Phản đối tập đoàn Formosa thải độc giết ngư dân, phản đối chính quyền địa phương đàn áp tôn giáo, hay tố cáo những kẻ lãnh đạo đang bán nước cho ngoại bang v..v... Thế nhưng nhiều người trong số đó đang bị công an, bộ đội truy lùng và bắt bớ. Họ phải trốn sang Thái Lan và phải tự sống còn trong các hoàn cảnh thật khắc nghiệt, khó khăn và thiếu thốn! Ai là người đang giúp họ hiện nay? Ai là người sẽ mang cho họ một tia hy vọng nhỏ nhoi là được đi định cư ở một nước thứ ba, trong lúc mọi quốc gia trên thế giới đều đóng kín cánh cửa nhân đạo đối với người tỵ nạn VN? Và quan trọng hơn cả là làm thế nào để người Việt không còn phải bỏ nước ra đi, không còn phải ngửa tay xin tỵ nạn dù 44 năm đã trôi qua, nhưng vẫn không chấm dứt? Tất cả những vấn nạn trên đã được thể hiện trong các buổi nhạc hội  và thảo luận mang đầy ý nghĩa và dào dạt tình đồng hương.



VOICE Norway với màn hợp ca mở đầu “Trả Lại Cho Dân”


Cac bạn trẻ trong tổ chức VOICE ở Na Uy không xa lạ gì với chúng tôi. Hầu hết đều là những thuyền nhân bị bỏ lại ở Phi Luật Tân, nhưng sau cùng đã đến được bến bờ tự do nhờ vào cuộc vận động của LS Trịnh Hội. Tuy nhiên người giúp cho họ được định cư tại quốc gia hiền hòa và phú cường này lại là một nữ luật sư trẻ, tên là Trần Kiều, người Na Uy gốc Việt. Cô đã hy sinh nhiều năm để qua sống cùng đồng bào tại PLT, cố vấn luật pháp cũng như giúp đỡ họ trong các thủ tục giấy tờ. Nhưng quan trọng hơn cả, vì chính cô là người đã tích cực đấu tranh cho quyền lợi của gần 200 người Việt tỵ nạn được định cư tại Na Uy vào những năm giữa thập niên 2000, khi mà người Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định dứt khoát, nhận họ vào Hoa Kỳ. Việc làm của nữ LS Trần Kiều mang tính cách lịch sử, vì chính cô là người đã thuyết phục quốc hội Na Uy ban hành một bộ luật di trú đặc biệt để cho người Việt còn lại ở Phi được đến Na Uy.
Sau khi hoàn tất sứ mạng và lý tưởng giúp đỡ những đồng hương thiếu may mắn, cô Trần Kiều trở về Oslo, lập gia đình với một viên chức ngoại giao người bản xứ, có hai con và theo chồng sống cuộc đời di chuyển qua nhiều quốc gia. Tuy nhiên hôm nay biết chúng tôi đến Oslo, và trước khi theo chồng đi nhậm chức đại diện chính phủ Na Uy tại vùng lãnh thổ Palestine ở Do Thái, cô đã cùng gia đình đến tham dự để anh em trùng phùng sau 14 năm xa cách. Hội trường đã không còn một ghế trống, nhiều người phải đứng để theo dõi chương trình. Và năm nào cũng vậy, rất nhiều thiện nguyện viên đã nấu nướng toàn bộ thức ăn để bán tặng vào quỹ định cư tất cả tiền thu được, cả vốn lẫn lời! Đồng thời nhiều ân nhân khác cũng đóng góp công sức, tài chánh hoặc tham gia vào các cuộc đấu giá thật sôi nổi và tích cực.           
Sáng hôm sau, thứ Bẩy ngày 2 tháng 3, 2019, chúng tôi phải lên đường để đến Đan Mạch sớm hầu tham dự chương trình ca nhạc gây quỹ tổ chức vào lúc 6 giờ chiều tại thành phố Odense, cách Copenhagen khoảng 2 tiếng đồng hồ lái xe. Cũng tương tự như Oslo, hội trường ở đây tuy lớn hơn, nhưng vẫn không đủ chỗ cho mọi người ngồi tham dự. Anh chị em VOICE Denmark cùng những thiện nguyện viên trẻ tại đây đã làm việc không ngừng nghỉ, không mệt mỏi, để vừa tổ chức buổi nhạc hội, vừa sắp đặt những cuộc vận động chính trị, cùng hội thảo với các viên chức chính quyền và dân cử Đan Mạch. Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Frankfurt, Đức Quốc củng đã bay đến để tham dự và trao đổi cùng anh em chúng tôi. Theo ban tổ chức thì đây được xem là một cuộc tập họp đông đảo và nhận được sự đóng góp tài chánh dồi dào nhất từ trước đến nay của cộng đồng người Việt tỵ nạn tại quốc gia này.
Tuy nhiên đối với tôi thử thách lớn nhất vẫn là cuộc hội thảo, tiếp xúc và gặp gỡ với những đồng hương quan tâm đến tổ chức và việc làm của VOICE cũng như về tình trạng nhân quyền và hoàn cảnh của các tù nhân lương tâm đang còn sống ở VN. Buổi họp mặt này đã được diễn ra vào buổi sáng Chủ Nhật mùng 3 tháng 3, 2019 tại Copenhagen. Khách tham dự thuộc mọi thành phần, thuộc nhiều lứa tuổi và đặt ra nhiều câu hỏi, họ quan tâm đến những tin đồn ác ý và bịa đặt được phát tán vô trách nhiệm trên các mạng YouTube. Sau khi LS Nguyễn Văn Đài chia sẻ và trả lời những thắc mắc liên quan về đề tài nhân quyền và tù nhân lương tâm ở VN, thì đến lượt LS Trịnh Hội trình bầy chi tiết về tổ chức VOICE cùng các hoạt động của họ hiện nay. Những con số, những thống kê về hiện tình kinh tế, chính trị và nhân quyền ở VN, dựa vào các báo cáo của nhiều quốc gia trên thế giới, đã được mổ sẻ một cách rất kỹ lưỡng và rõ ràng. Các chương trình đào tạo thực tập viên cùng phát triển xã hội dân sự ở VN cũng được LSTH giải thích thật cặn kẽ. Theo sau là phần xuất hiện của một nhân chứng sống, cô Vi Yên, là một trong số hàng trăm thực tập sinh (intern) đã được VOICE đào tạo và sau đó trở về nước để phục vụ cho lý tưởng và tranh đấu cho một thể chế tự do, dân chủ và nhân quyền trên quê hương VN. Vi Yên, Trịnh Hội và cá nhân tôi cũng đã trả lời trực tiếp tất cả các câu hỏi do cử tọa đưa ra kể cả những thắc mắc liên quan đến việc định cư đồng bào tỵ nạn VN tại Canada mà VOICE đang tiến hành.  Buổi tối hôm đó lại có một cuộc họp mặt khác do một nhà hàng VN nổi tiếng nằm ngay downtown Copenhagen có nhã ý tổ chức để đồng hương tại thành phố này có cơ hội tiếp xúc, trao đổi tâm tình và chụp ảnh kỷ niệm với anh chị em nghệ sĩ. Đặc biệt là toàn bộ số tiền đóng góp cả vốn lẫn lời đều được dùng vào quỹ định cư người tỵ nạn.

 Conference on Civil Society in Copenhagen
 Qua ngày hôm sau, mùng 4 tháng 3, 2019, thành viên của VOICE đã cùng các nhà hoạt động cộng đồng tại Đan Mạch tham dự các buổi hội thảo rất quan trọng, đó là hội nghị về Xã Hội Dân Sự (Conference on Civil Society), đặc biệt là có sự hiện diện của vị bộ trưởng ngoại giao Denmark. Cũng trong dịp này chúng tôi đã có những cuộc trao đổi trực tiếp với các viên chức cao cấp của bộ ngoại giao Đan Mạch “Head of Section, Department for Asia, Oceania and Latin America” và Vietnam Desk Officer.       
Mùng 5 tháng 3, 2019, phái đoàn lại khăn gói để bay đến Berlin, thủ đô nước Đức, một địa điểm đầy thử thách mà lần đầu tiên VOICE có mặt để sinh hoạt, và cũng tại đây, tôi gặp nhà hoạt động và người tù nhân lương tâm trẻ, cô Lê Thu Hà đến từ Frankfurt. Cộng đồng người Việt ở Berlin chia làm hai khu vực và hai hoàn cảnh tỵ nạn khác nhau. Có người đến từ miền Bắc hay miền Nam nước Việt. Có người là thuyền nhân, có người đi theo diện “hợp tác lao động”. Có người sống ở khu vực miền Tây hay đến từ Đông Bá Linh. Đây cũng là lần đầu tiên có một chương trình sinh hoạt ca nhạc với những bài hát cho quê hương đất nước, cho tự do, dân chủ, nhân quyền và cho những kiếp người tỵ nạn đang vất vưởng ở nơi đất khách, quê người được tổ chức tại Berlin. Tất cả anh chị em chúng tôi kể cả ban tổ chức gồm có bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, chủ tịch Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức cùng một số đại diện của các hội đoàn khác đều hồi hộp đợi chờ, chẳng ai tiên đoán được sẽ có bao nhiêu người đến tham dự, đã thế lại còn tổ chức vào ngày thứ Sáu. Gió thổi rất mạnh và mưa liên tục càng làm cho nỗi lo âu thêm chồng chất!   
Tuy nhiên những cuộc vận động chính trị đã làm át đi cả mưa gió, bão bùng. Liên tục trong 2 ngày 6 và 7 tháng 3, 2019, bà chủ tịch LHNV cùng với các thành viên của VOICE đã được các viên chức của bộ ngoại giao Đức tiếp đón rất tận tình và niềm nở, đặc biệt là cuộc thảo luận với bà Annette Knobloch, phụ trách Á Châu Sự Vụ, và sau đó là buổi gặp gỡ với ông giám đốc phụ trách về nhân quyền, Director of Human Rights Watch in Germany.


Trịnh Hội, Lê Thu Hà, Vi Yên và director of
Human Rights Watch in Germany (bác sị Mỹ Lâm chụp ảnh)
 Nhưng rồi “ngày trọng đại” cũng đã đến. Chiều mùng 8 tháng 3, 2019, tôi có mặt tại địa điểm tổ chức Atze Musiktheater rất sớm, nhưng khán giả cũng đã hiện diện khá đông đảo. Họ nhận ra tôi và niềm nở bắt tay thăm hỏi. Từ các cựu quân nhân QLVNCH thuộc nhiều binh chủng, kể cả vị đại tá cao niên thuộc ngành Quân Nhu rất được mọi người quý trọng ở đây, cho đến các bạn trẻ. Từ thuyền nhân tỵ nạn cho đến những người đi từ miền Bắc VN, đặc biệt là “đồng hương” người Bắc Ninh, nơi tôi sinh ra đời. Họ thân mật và vui vẻ đến nhận diện “người cùng làng”! Không khí cởi mở đó làm cho chúng tôi cảm thấy tự tin và phấn khởi. Đúng giờ khai mạc thì khán giả đã tràn đầy kín rạp hơn 600 ghế ngồi, không còn một chỗ trống và nhiều người đã phải đứng ở bên ngoài. Sau lễ chào quốc kỳ cùng bài diễn văn khai mạc của BS chủ tịch LHNVTN/CHLBĐ và một số ca khúc đấu tranh do ca đoàn Hamburg phụ trách, tôi được BTC giới thiệu ra sân khấu để trình bầy về mục đích cùng nội dung của buổi nhạc hội, tình trạng của người tỵ nạn VN hiện nay và nỗ lực phát triển xã hội dân sự của tổ chức VOICE hầu đem lại tự do, dân chủ và nhân quyền cho đất nước VN. Tôi lo lắng không biết phản ứng của cử tọa sẽ dành cho mình như thế nào, vì hai thành phần khán giả khác biệt hoàn cảnh, sống dưới các chế độ cũng khác nhau!
 

Nam Lộc và Trịnh Hội phút tâm tình trước 600 khán giả tại Berlin
 Không khí căng thẳng, nặng nề và im lặng, tôi có cảm tưởng như nghe được cả tiếng động nếu có một cây kim rơi xuống đất! Nhưng chỉ sau 5 phút đồng hồ qua những lời tâm tình và chia sẻ đầu tiên thì hội trường như vỡ òa, tiếng vỗ tay kéo dài tưởng như không dứt. Và tôi đã tự thú với những người có mặt ngày hôm đó rằng, có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy xúc động mạnh như vậy. Mà không phải chỉ mình tôi, vì sau đó Trịnh Hội, Vi Yên, Diễm Liên và Nguyên Khang cũng cảm nhận như thế. NK nói: cháu hát mà tay chân “nổi da gà”, khán giả quá dễ thương và trân trọng làm mình không muốn rời sân khấu. Cả hai bài Sai Gòn Ơi Vĩnh Biệt và Người Di Tản Buồn của tôi đã được đón nhận một cách nồng nhiệt như chưa từng xẩy ra trước đây. Khán giả cũng đã vỗ tay và hát theo tôi cùng Diễm Liên nhạc phẩm Xin Đời Một Nụ Cười, “vì hai chữ tự do, ta mang đời lưu vong...”! Trịnh Hội với bản Trái Tim Tôi Là Bến của Phan Văn Hưng cũng đã làm xúc động người nghe! Và dĩ nhiên khi Diễm Liên hát Trả Lại Cho Dân thì hội trường như bừng lên khí thế, vang dội nhịp vỗ tay, và mọi người đều cất cao tiếng hát. Không khí đó đã cho chúng ta một hinh ảnh tuyệt đẹp của sự đoàn kết và chia sẻ giữa những người Việt lưu vong sống ở Berlin dù họ đến từ miền Bắc hay miền Nam nước Việt hoặc từ miền Tây hay Đông Bá Linh. Đối với tôi, đó chính là “tiếng ồn ào của những người thầm lặng”! Cám ơn BS Mỹ Lâm cùng tất cả quý vị tình nguyện viên đã tận tình tổ chức và giúp đỡ chúng tôi.  

 Diễm Liên cùng khán giả East-West Berlin đồng ca “Trả Lại Cho Dân”
Những kỷ niệm đẹp ở Berlin qua đi thật nhanh, bầu đoàn thê tử lại “khăn gói quả mướp” để sáng hôm sau đáp chuyến bay đến Hòa Lan. Show tổ chức vào ngày thứ Bẩy 9 tháng 3, 2019 nên chưa đến giờ khai mạc khán giả đã ngồi kín hội trường. Không khí hoàn toàn trái ngược với Berlin, bên kia im lặng bao nhiêu, thì Amsterdam ồn ào và nhộn nhịp bấy nhiêu! Lời hỏi, câu chào vô cùng náo nhiệt, nhưng cũng nhờ thế mà các cuộc đấu giá và gây quỹ trở nên sôi nổi, mang đến sự thành công vượt bực về tài chánh. Và cũng nhờ thế mà cuộc hội ngộ bất ngờ giữa các thành viên của VOICE đến từ Anh, Pháp, Bỉ, Thái Lan, Hòa Lan, Phi Luật Tân, Úc Châu và Hoa Kỳ đã diễn ra trong một bầu không khí thật vui vẻ, thoải mái, làm tan đi những giờ phút căng thẳng, nhọc nhằn!


Các thành viên của VOICE ở Âu và Á Châu
 Qua ngày Chủ Nhật 10 tháng 3, 2019, chúng tôi bay đến Munich vào sáng sớm để kịp giờ trình diễn dự trù vào lúc 4 giờ chiều. Đây là lần thứ 5 VOICE trở lại thành phố kỹ nghệ trù phú này của nước Đức. Trù phú như lòng người Việt tỵ nạn tại đây đối với các sinh hoạt thiện nguyện của cộng đồng cùng các tổ chức bất vụ lợi, lúc nào cũng tham dự đông đảo và nhiệt tình ủng hộ. Và cũng không kém gì Berlin, không khí và cách sắp xếp ghế ngồi theo hình thức thính phòng, cho nên các nghệ sĩ có được khoảng không gian thật tĩnh lặng để chia sẻ tâm tình, cất cao lời ca tiếng hát và đến từng hàng ghế ngồi của những đồng hương giầu lòng bác ái.
Ngày vui qua mau,thấm thoắt mà đã gần hai tuần lễ xa nhà, sáng thứ Hai 11 tháng 3, 2019 tôi phải rời đoàn để trở về Hoa Kỳ cho những công việc khác đã lỡ hẹn trước. Trong lúc tôi ra phi trường thì các thành viên của VOICE từ nhiều quốc gia đã dùng xe lửa tốc hành để đi Bỉ. Tại đây họ đã tái ngộ với bác sĩ Mỹ Lâm đến từ Berlin và LS Anna đến từ Bangkok, Thái Lan để cùng nhau vận động, tiếp xúc và gặp gỡ các viên chức thuộc quốc hội Liên Âu, trụ sở đặt tại Brussels. 

 BS Mỹ Lâm, LS Anna, Vy Yên, LS Dương (VOICE France)
và LS Trịnh Hội trước trụ sở Liên Minh Âu Châu
 Qua báo cáo hoạt động của VOICE Belgium thì có lẽ đây là những cuộc vận động quan trọng và thành công nhất của chuyến đi. Với gần một chục cuộc họp, liên tục trong 4 ngày. Phái đoàn đã được rất nhiều viên chức thuộc các bộ phân khác nhau của khối lãnh đạo Liên Minh Châu Âu cũng như quốc hội Liên Âu tiếp đón, kể cả bà Cecilia Malmström, European Trade Commissioner, được xem như ngang hàng với chức Bộ Trưởng Bộ Thương Mại của các quốc gia trên thế giới. Là một chính trị gia người Thụy Điển, nhưng bà cũng là người đại diện cho toàn khối EU, liên quan trực tiếp đến Hiệp Ước Tự Do Thương Mại giữa EU và Việt Nam (EV-FTA).  
 Trong khi tôi đang nuối tiếc vì không có mặt để cùng tiếp tục tham dự vào các cuộc vận động nói trên, và cũng vào lúc hoàn tất bài tường trình này thì Nguyên Khang lại càng làm tôi thêm nôn nao khi cậu ấy gởi về những tin tức và hình ảnh của hai buổi trình diễn cuối cùng tại nước Đức. Thứ Bẩy 16 tháng 3 tại Mönchengladbach với gần 1500 người tham dự, đông nhất từ trước đến nay, và Chủ Nhật 17 tháng 3, 2019 tại Franfurt với hơn 1000 người hiện diện dù hội trường chỉ có 800 chỗ ngồi. Đây có thể xem như chuyến lưu diễn thành công nhất của VOICE tại nước Đức một lần qua 4 thành phố đông người Việt tại quốc gia này.

Thứ Bẩy 16 tháng 3 tại Mönchengladbach
 Định nghĩa hai chữ “thành công” ở đây, đối với tôi không phải chỉ là số lượng khán thính giả tham dự, hay số tiền gây quỹ thu nhận được, mà còn là những cuộc vận động chính trị, hành pháp, lập pháp và ngay cả tư pháp ở các quốc gia tự do. Công việc này đòi hỏi nhiều công sức, thì giờ và tiền bạc cùng sự kiên trì, thông minh và khôn khéo của các thành viên thuộc tổ chức VOICE ở nhiều quốc gia trên thế giới, cùng sự hỗ trợ quý báu của các cá nhân, hội đoàn và quý vị lãnh đạo cộng đồng địa phương. Họ có những mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với chính quyền sở tại, cộng với uy tín cá nhân hay tổ chức khiến cho những cuộc vận động gặt hái được kết quả tốt đẹp. Điển hình như cảm nhận của bà Cecilia Malmström đã được bà phổ biến công khai trên trang xã hội Twitter ngay sau cuộc gặp gỡ với các thành viên của VOICE tại International Trade Department of EU Parliament.

Chia sẻ trên trang mạng xã hội Twitter của bà Malmström
 Qua chuyến lưu diễn này, quý vị đồng hương ở khắp mọi nơi đã gởi cho các thành viên của VOICE một thông điệp rõ ràng rằng: Cứ làm phải, làm đúng, làm việc hợp pháp thì chẳng sợ điều gì, hay bất cứ sự đe dọa nào, dù nó đến từ đâu. Những người hiểu biết sẽ luôn luôn đứng sau lưng để hỗ trợ bạn. Họ đã bỏ ngoài tai những lời vu cáo, bịa đặt và xuyên tạc đầy ác ý để đến với chúng ta, đến với các mục đích cao đẹp, đầy tình người, của một thế hệ trẻ rất trong sáng: “Act in good faith, and walk tall”!
Trạm dừng chân sắp tới của VOICE sẽ là ở thành phố Vancouver, Canada vào cuối tháng này. BTC cho biết vé vào cửa đã bán hết và sẽ không đủ chỗ cho người tham dự. Cám ơn sự hỗ trợ cùng những tấm lòng nhân ái của toàn thể quý vị, và đó chính là  
“tiếng ồn ào của những người thầm lặng”! 
Nam Lộc