Thursday, April 25, 2019

Nhìn lại ngày 22 tháng 4, 1975

Người tị nạn Việt Nam đặt chân đến Philippines vào tháng 4, 1975

Kính thưa quý khán giả, tháng 4, 2019 đánh dấu 44 năm người Việt tỵ nạn CS phải rời khỏi quê hương để thành lập một biểu tượng quốc gia mới nằm ở ngoài vòng kiểm tỏa của CS, nhằm bảo vệ nền văn hóa dân tộc đích thực được tổ tiên gầy dựng từ 5,000 năm trước.  Nơi nào có bước chân của người tỵ nạn Việt Nam, nơi đó luôn có lá cờ vàng, và một Little Saigon – đối kháng lại hệ giá trị Marxist mà CS đang áp đặt tại Việt Nam.
Nhìn lại ngày này 44 năm trước, 22 tháng 4, năm 1975,  quân đội Mỹ hoạt động suốt ngày đêm để di tản người Mỹ và người miền Nam từ Sài Gòn đến căn cứ không quân Clark, Philippines.
Tại thủ đô Washington DC, các rào cản di dân đã được gỡ bỏ để tiếp nhận hơn 130,000 người tị nạn đến từ Cam Bốt và Việt Nam. Hoa Kỳ gửi thêm chiến đấu cơ đến Thái Lan và đưa nhiều tàu đến ngoài khơi miền Nam để bảo vệ người Mỹ trong tiến trình di tản. Hàng ngàn người Mỹ và Việt Nam đến căn cứ không quân Clark tại Philippines.  Bộ trưởng Tư pháp Edward Levi cắt băng đỏ để chào đón người tỵ nạn Việt Nam và Cambodia. Tổng thống Ford thảo luận các bước để đẩy nhanh quá trình di tản với lãnh đạo Quốc hội.  Tại căn cứ không quân Clark, mục tiêu của mỗi ngày là tiếp nhận  hơn 4,000 người.
Một thành phố lều trại đã được dựng lên tại căn cứ không quân Clark để tiếp nhận dòng người tỵ nạn Việt Nam. Ủy ban Quân vụ Hạ viện Hoa Kỳ từ chối yêu cầu viện trợ quân sự cho miền Nam trị giá gần 3/4 tỷ Mỹ kim của Tổng Thống Ford. Lưỡng viện Quốc hội trì hoãn thông qua các đề nghị phân bổ tiền cho các kế hoạch di tản và viện trợ nhân đạo.  Các viên chức Bộ Ngoại giao cho biết cơ hội đàm phán vô cùng hạn chế và ngày qua ngày, các lựa chọn càng bị thu hẹp. Hoa Kỳ muốn ngừng bắn vào tuần trước để di tản người Mỹ và những người miền Nam.
Hà Nội từ chối đàm phán với chính quyền của Tổng thống Trần Văn Hương; Bắc Việt ngụ ý họ sẽ không cho phép di tản hàng chục ngàn người dân miền Nam. Hà Nội tố cáo tân Tổng thống miền Nam Việt Nam Trần Văn Hương. Pháp nỗ lực khởi động lại các cuộc đàm phán chính trị, nhưng không có nhiều thành công. Hà Nội tin rằng Tổng thống Hương và cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không khác nhau về phong cách cầm quyền.
Sau khi lực lượng VNCH rút khỏi Xuân Lộc, An Lộc và Chơn Thành, áp lực của cộng quân gia tăng đáng kể từ nhiều hướng nhắm vào Sài Gòn. Quốc lộ 22 nối Củ Chi và Tây Ninh bị cộng quân chốt nhiều đoạn. Các đoàn quân xa chở tiếp phẩm lên Tây Ninh thường xuyên bị phục kích.
Cùng với các hoạt động trên quốc lộ và tỉnh lộ, trong ngày 22/4/1975, cộng quân mở các cuộc tấn công vào một số vị trí đóng quân của lực lượng VNCH trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Tại các tỉnh Bình Dương, Biên Hòa, cộng quân gia tăng các đợt pháo kích bằng hỏa tiễn và đại bác 130mm.
Các tin tức tình báo cho biết cộng quân đang siết chặt vòng vây quanh Sài Gòn bằng nhiều mũi dùi, mỗi mũi là một quân đoàn có từ 2 đến 3 sư đoàn bộ binh có thiết giáp và pháo binh yểm trợ.
Lực lượng VNCH tại Long Khánh đã hoàn tất cuộc triệt thối, rút về bảo vệ vòng đai Sài Gòn và Biên Hòa. (BBT)

No comments:

Post a Comment