Thursday, April 25, 2019

Nhìn lại ngày 23 tháng 4, 1975

Người Việt rời bỏ quê hương - Ảnh: YouTube
Kính thưa quý khán giả, tháng 4, 2019 đánh dấu 44 năm người Việt tỵ nạn CS phải rời khỏi quê hương để thành lập một biểu tượng quốc gia mới nằm ở ngoài vòng kiểm tỏa của CS, nhằm bảo vệ nền văn hóa dân tộc đích thực được tổ tiên gầy dựng từ 5,000 năm trước.  Nơi nào có bước chân của người tỵ nạn Việt Nam, nơi đó luôn có lá cờ vàng, và một Little Saigon – đối kháng lại hệ giá trị Marxist mà CS đang áp đặt tại Việt Nam.
Nhìn lại ngày này 44 năm trước, 23 tháng 4, năm 1975,  Thượng viện Hoa Kỳ bỏ phiếu để trao quyền cho Tổng thống Gerald Ford gửi quân đội đến Việt Nam nhằm giúp di tản người Mỹ và và người miền Nam nếu cần thiết. Thượng viện đã phê duyệt quỹ dự phòng 100 triệu Mỹ kim dành cho việc di tản và 150 triệu Mỹ kim dành cho viện trợ nhân đạo.
1,500 người Hoa Kỳ vẫn còn ở lại Sài Gòn. Cuộc di tản khổng lồ từ Sài Gòn vẫn tiếp diễn suốt ngày đêm. Số lượng người dân miền Nam trên máy bay nhiều hơn người Mỹ gấp 20 lần. Kể từ bây giờ, các chuyến bay sẽ hạ cánh tại đảo Guam thay vì Căn cứ Không quân Clark vì lý do không còn sức chứa. Căn cứ không quân Clark không thể giải quyết số lượng người di tản ngày càng tăng từ Sài Gòn. Các thủ tục giấy tờ và quy định di trú đã gây ra sự chậm trễ trong việc đưa người tị nạn từ Căn cứ Không quân Clark đến California một cách nhanh chóng. Thành phố lều trại tạm thời được thiết lập.  Quyết định chuyển người tị nạn đến đảo Guam gây ra nhiều vấn đề cần giải quyết gấp vì các cơ sở hiện tại chỉ có thể giải quyết tối đa vài ngàn người. Việc dựng các thành phố lều trại đã được lên kế hoạch.
Các nguồn tin tình báo ở Sài Gòn cho biết, quân CSBV tiến vào vị trí để đánh chiếm Sài Gòn trong 48 giờ qua. Ở Sài Gòn, bom phát nổ ở khu chợ trung tâm thành phố; 2 người thiệt mạng; một số người bị thương.
Để ổn định tình thế, 6 giờ chiều ngày 23/4/1975, với chức danh là Tổng trưởng Quốc phòng, cựu Trung tướng Trần Văn Đôn đã họp các tướng lĩnh tại văn phòng Tổng tham mưu trưởng. Vị Tổng trưởng Quốc phòng yêu cầu Đại tướng Viên, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3 & Quân khu 3 sắp xếp lại tuyến phòng thủ để bảo vệ Sài Gòn và đoạn đường từ Sài Gòn. Cũng tại cuộc họp này, Tướng Viên cho biết lực lượng cộng quân quanh chung quanh Sài Gòn và Biên Hòa đã lên đến 15 sư đoàn, trong đó có 1 sư đoàn pháo binh, nhiều lữ đoàn thiết giáp và các đơn vị phòng không sử dụng hỏa tiển SAM. Tướng Đôn cho rằng, ông Dương Văn Minh biết CSBV đang chờ ông Minh nắm quyền rồi sẽ thương thuyết, vì thế 1 giờ  sáng ngày 23 tháng 04, 1975, Tướng Đôn gặp đại sứ Mỹ Graham Martin tại nhà riêng và  trao đổi với ông Martin về ý kiến của ông Dương Văn Minh và yêu cầu đại sứ Martin đề nghị Tổng thống Trần Văn Hương giao quyền cho ông Minh đứng ra thương thuyết với Hà Nội . Ông Martin hứa với Tướng Đôn là sẽ cố thuyết phục Tổng thống Hương.
Sau khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức vào tối 21 tháng 4/19975, và sau cuộc rút quân khỏi Xuân Lộc, Đại tướng Cao Văn Viên không còn thiết tha với chức vụ Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH, ông muốn từ chức và ra khỏi quân đội. Trong khi đó, tân Tổng thống Trần Văn Hương lại muốn bổ nhiệm Đại tướng Viên làm Tổng tư lệnh Quân đội với đầy đủ quyền hạn, so với chức vụ Tổng Tham mưu trưởng mà tướng Viên đã nắm giữ từ tháng 10/1965.  Trong khi chưa tìm ra một người để giao trọng trách tổng chỉ huy quân đội VNCH trong giai đoạn cam go nhất của lịch sử thì ngày 23 tháng 4/1975, nội các do ông Nguyễn Bá Cẩn làm Thủ tướng nộp đơn lên Tổng thống Trần Văn Hương xin từ chức. Tổng thống Trần Văn Hương đã yêu cầu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn và các thành viên của nội các tiếp tục xử lý thường vụ cho đến khi có nội các mới được thành lập. (BBT)

No comments:

Post a Comment