Wednesday, May 1, 2019

Nhìn lại ngày 30 tháng 4, 1975

Người Việt rời khỏi quê hương, cuối tháng 4/1975 - 

Kính thưa quý khán giả, tháng 4, 2019 đánh dấu 44 năm người Việt tỵ nạn CS phải rời khỏi quê hương để thành lập một biểu tượng quốc gia mới nằm ở ngoài vòng kiểm tỏa của CS, nhằm bảo vệ nền văn hóa dân tộc đích thực được tổ tiên gầy dựng từ 5,000 năm trước.  Nơi nào có bước chân của người tỵ nạn Việt Nam, nơi đó luôn có lá cờ vàng, và một Little Saigon – đối kháng lại hệ giá trị Marxist mà CS đang áp đặt tại Việt Nam.
Nhìn lại ngày này 44 năm trước, 30 tháng 4, năm 1975, vào lúc 10 giờ 24 sáng, “Tổng thống” Dương Văn Minh đã đọc nhật lệnh trên đài phát thanh Sài Gòn ra lệnh cho tất cả mọi quân nhân thuộc Quân Lực VNCH phải buông súng đầu hàng.
Một sĩ quan cảnh sát VNCH tự sát khi cộng quân tràn vào Sài Gòn. Tổng thống Dương Văn Minh bị cộng quân giam giữ trong Dinh Tổng thống. Tòa đại sứ Hoa Kỳ bị đốt, bị cướp phá. Lực lượng CS kéo đến tòa đại sứ vào khoảng 3 tiếng rưỡi sau khi cuộc di tản lịch sử của Hoa Kỳ kết thúc.
Lúc đó, ngoài biển Đông, các trực thăng hạ cánh lên hàng không mẫu hạm USS Blue Ridge và người di tản bàng hoàng rời khỏi trực thăng. Đại sứ  Mỹ Graham Martin từ chối bình luận về tình hình sau khi lên hàng không mẫu hạm. Người di tản sử dụng mọi phương tiện để  đến được các chiến hạm Hoa Kỳ đang đậu ngoài khơi.  Nhiều chiếc trực thăng từ Saigon bay ra, thả thân nhân xuống chiến hạm, rồi bay ra giữa biển cho trực thăng đâm xuống biển.  May mắn là không ai thiệt mạng trong các chuyến bay hoảng loạn rời khỏi miền Nam.
74 máy bay của Quân lực VNCH hạ cánh tại Thái Lan, với gần 2,000 quân nhân và gia đình của họ. Hàng ngàn người Việt Nam đã di tản khỏi Saigon trên những chiếc thuyền nhỏ xuôi dòng sông Mê Kông với hy vọng sẽ được các tàu Mỹ đón ngoài khơi.
Cộng quân tiến vào Sài Gòn vào giữa  sáng. Các xe tăng T54 do Liên Xô và Trung Cộng cung cấp đã tiến vào Saigon theo hàng và cán sập cổng Dinh Độc Lập.
Tại Hoa Thịnh Đốn, Tổng thống Gerald  Ford từ chối trao cho Quốc hội Mỹ các bản cam kết bí mật giữa cựu Tổng thống Nixon với cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng – một cựu thành viên trong nội các của ông Thiệu đã công bố 2 bức thư. Tòa Bạch Ốc của Tổng thống Ford cho biết họ có biết về những lá thư này. Theo ngoại trưởng Henry Kissinger, tổng số người tị nạn Việt Nam có thể lên đến gần 70,000. Đến cuối ngày, 3,000 người tị nạn đã đến trại Pendleton, California. Hai trại tỵ nạn tạm thời  đã được thiết lập ở tiểu bang Arkansas và Florida. Bộ Ngoại giao thừa nhận rằng kế hoạch ổn định cuộc sống cho người tỵ nạn Việt Nam vẫn  không chắc chắn. Chính phủ sẽ phụ thuộc nhiều vào các tổ chức tình nguyện trực thuộc nhà thờ để giúp tìm nhà mới, cũng như cuộc sống và công việc mới cho những người tị nạn không có người bảo lãnh Hoa Kỳ.  Bộ Tài chính Hoa Kỳ đóng băng tất cả tài sản của chính phủ VNCH và công dân miền Nam tại Mỹ.
Ngay buổi chiều ngày 30 tháng 4, Đài phát thanh giải phóng loan báo kể từ nay, thành phố Sài Gòn được đổi là “thành Phố HCM.”
Kể từ ngày hôm đó, ngày 30 tháng 4 năm 1975, Sài Gòn đã mất tên, Sài Gòn không còn nữa.
Kể từ ngày hôm đó, Quốc gia Việt Nam Cộng Hoà không còn nữa.
Và cũng kể từ ngày hôm đó, tại Miền Nam Việt Nam Tự Do cũng không còn nữa.

Thế nhưng, 44 năm sau, lá cờ vàng vẫn tiếp tục bay ngạo nghễ và Little Saigon được hình thành ở những nơi nào có cộng đồng người Việt tỵ nạn CS – hình thành một quốc gia ở ngoài vòng kiểm tỏa của hệ giá trị CS. (BBT)

No comments:

Post a Comment