Thursday, April 25, 2019

Nhìn lại ngày 17 tháng 4, 1975

Xuân Lộc tháng 4, 1975
Kính thưa quý khán giả, tháng 4, 2019 đánh dấu 44 năm người Việt tỵ nạn CS phải rời khỏi quê hương để thành lập một biểu tượng quốc gia mới nằm ở ngoài vòng kiểm tỏa của CS, nhằm bảo vệ nền văn hóa dân tộc đích thực được tổ tiên gầy dựng từ 5,000 năm trước.  Nơi nào có bước chân của người tỵ nạn Việt Nam, nơi đó luôn có lá cờ vàng, và một Little Saigon – đối kháng lại hệ giá trị Marxist mà CS đang áp đặt tại Việt Nam.
Nhìn lại ngày này 44 năm trước, 17 tháng 4, năm 1975, cuộc chiến ở Cam Bốt kết thúc khi chính phủ Cambodia đầu hàng quân du kích Khmer Đỏ vào lúc 7:00 sáng, khi chúng chiếm được thủ đô Phnom Penh.  Tại Bắc Kinh, người đứng đầu trên danh nghĩa của Khmer Đỏ, Hoàng tử lưu vong Norodom Sihanouk, sẽ sớm trở lại Phnom Penh. Ông Sihanouk rất vui mừng trước chiến thắng của quân Khmer Đỏ. Trong khi đó Tổng thống Hoa Kỳ, Gerald Ford  buồn bã trước sự việc này. Nước Úc trở thành quốc gia đầu tiên công nhận chính phủ Khmer Đỏ. Nước láng giềng Thái Lan đóng cửa biên giới với người tị nạn Cam Bốt, nhưng ít nhất 11 máy bay của Không quân Cam Bốt vẫn hạ cánh được.
Yêu cầu của Tổng thống Ford về việc tăng cường viện trợ cho miền Nam Việt Nam dường như đang đối mặt với nhiều vấn đề hơn trong Quốc hội. Ủy ban Quân vụ Hạ viện Hoa Kỳ từ chối phê duyệt thêm bất kỳ loạt viện trợ nào cho miền Nam. Các thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện phàn nàn về việc chính quyền Ford  không tiến hành di tản nhanh chóng người Hoa Kỳ ra khỏi Sài Gòn. Các thành viên cũng từ chối bỏ phiếu về yêu cầu viện trợ cho đến khi vấn đề di tản được giải quyết.
Tòa đại sứ Hoa Kỳ cho biết 1,500 người Mỹ đã di tản đi trong 2 tuần qua. Hầu hết những người ra đi là các viên chức chính phủ hoặc các nhân viên làm việc theo hợp đồng của Hoa Kỳ. 140 nhân viên theo hợp đồng của Bộ Quốc phòng và nhân viên dân sự từ Việt Nam đã đến căn cứ không quân Clark ở Philippines.
Dân biểu Stephen Solarz của New York cho biết, phát ngôn viên của Bắc Việt tại Paris bảo đảm với ông rằng, Hà Nội sẽ không can thiệp vào việc di tản người Hoa Kỳ và người Việt quốc gia rời khỏi Sài Gòn.
Ngoại trưởng Kissinger cố gắng vận động để tìm sự hỗ trợ cho chính sách đối ngoại hậu Việt Nam, không bị ràng buộc bởi chủ nghĩa biệt lập và được dựa trên sự hợp tác giữa Tòa Bạch Ốc và Quốc hội. Ông Kissinger ngụ ý rằng, Liên Xô và Trung Cộng có thể sẽ bị đổ lỗi cho tình hình ở miền Nam Việt Nam. Ngoài ra, ông còn cho biết Hoa Kỳ sẽ không quên việc ai là người đã cung cấp vũ khí cho Hà Nội.
Các báo cáo chưa được xác nhận cho biết quân CSBV được phát hiện đang ở cách Sài Gòn 10 dặm. Cộng quân đã chiếm được Kiệm Tân và đẩy lùi binh sĩ VNCH  ra khỏi một số vị trí xung quanh Xuân Lộc và phi trường Biên Hòa.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, những khẩu pháo của cộng quân đã xuất hiện lần đầu tiên. Các báo cáo cho biết chiến sự đã xảy ra tại Tân An và Bến Tranh.
Ngoại trưởng Vương Văn Bắc thông báo với phóng viên Bernard Kalb rằng, chính phủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã sẵn sàng nối lại đàm phán hòa bình vô điều kiện với Hà Nội, nhưng phía Hà Nội đưa ra điều kiện là Tổng thống Thiệu phải từ chức trước tiên.
Tại Sài Gòn, đối thủ của Tổng thống Thiệu, tướng Dương Văn Minh, tổ chức họp báo và tự nhận bản thân là câu trả lời cho những vấn đề ở miền Nam. Còn nhớ tướng Minh là người lãnh  đạo cuộc đảo chính năm 1963, giờ đây ông đang muốn mang lại hòa bình cho Việt Nam. Tướng Minh đã hối thúc Tổng thống Thiệu từ chức, và không muốn có thêm một cuộc đảo chính nào khác. Tướng Minh tin rằng ông hiện đang nhận được sự hỗ trợ rộng rãi giữa người dân miền Nam.
Các binh sĩ VNCH đang bị áp lực nặng nề trước các đợt tấn công của cộng quân gần Xuân Lộc. Cộng quân dường như đã sẵn sàng tấn công Sài Gòn bất cứ lúc nào. Về mặt quân sự, tình hình đang rất nguy cấp.  Các binh sĩ VNCH vẫn đang kiểm soát các con đường ở Xuân Lộc. Máy bay trực thăng đang thả hàng tiếp tế đạn dược hàng ngày, cũng như đưa những người bị thương và người tị nạn ra khỏi khu vực. Giao tranh tại quốc lộ 1 ngày càng mãnh liệt, và các binh sĩ VNCH đã chận được mức tiến của cộng quân. (BBT)

No comments:

Post a Comment