Thursday, April 25, 2019

Nhìn lại ngày 16 tháng 4, 1975

Phan Rang tháng 4, 1975
Kính thưa quý khán giả, tháng 4, 2019 đánh dấu 44 năm người Việt tỵ nạn CS phải rời khỏi quê hương để thành lập một biểu tượng quốc gia mới nằm ở ngoài vòng kiểm tỏa của CS, nhằm bảo vệ nền văn hóa dân tộc đích thực được tổ tiên gầy dựng từ 5,000 năm trước.  Nơi nào có bước chân của người tỵ nạn Việt Nam, nơi đó luôn có lá cờ vàng, và một Little Saigon – đối kháng lại hệ giá trị Marxist mà CS đang áp đặt tại Việt Nam.
Nhìn lại ngày này 44 năm trước, 16 tháng 4, năm 1975,  chính phủ Cam Bốt đề nghị đầu hàng thông qua Hồng Thập Tự, và đề nghị này được chuyển đến nhà lãnh đạo Cam Bốt lưu vong, Hoàng tử Norodom Sihanouk. Ông Sihanouk từ chối lời đề nghị đầu hàng cũng như yêu cầu ngừng bắn; đồng thời đề nghị các nhà lãnh đạo chính phủ Lon Nol di tản khỏi Cam Bốt. Lực lượng Khmer Đỏ đã kiểm soát hoàn toàn phi trường và đang tiến vào thủ đô từ mọi phía.
Tổng thống Ford và Ngoại trưởng Henry Kissinger cố gắng ngăn cản tinh thần đang suy sụp trong chính phủ Hoa Kỳ trước việc chính quyền Cam Bốt có thể đầu hàng vô điều kiện.  Tham mưu trưởng Frederick Weyand của Quân đội Hoa Kỳ nói với Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện rằng, bước tiến của cộng quân đang chậm lại vì quân lực VNCH chống trả quyết liệt.
Bên ngoài tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Saigon, nhiều người xếp hàng dài vào mỗi buổi sáng.  Những người Hoa Kỳ có vợ Việt Nam phải nộp đơn xin rời khỏi miền Nam.
Các binh sĩ VNCH đã rút lui khỏi tỉnh thứ 18 trước cuộc tấn công của cộng quân.  Chiến sự tại Xuân Lộc vẫn tiếp diễn, và sắp chuyển biến nặng nề.   Trận chiến giành thị xã Xuân Lộc được xem là then chốt đối với số phận của Sài Gòn. Một số lực lượng Biệt Động Quân phải rút lui sau khi các vị trí tiền phương bị pháo kích nặng nề. Nhiều binh sĩ và người di tản nhanh chóng rút khỏi khu vực giao tranh.
Trong khi Bộ Quốc phòng VNCH đang tìm cách để cung cấp các vũ khí tối cần thiết cho các đơn vị tại chiến trường thì tại mặt trận Phan Rang, ngày 16/4/1975, cộng quân tung 2 sư đoàn tấn công vào căn cứ Không quân Phan Rang và trung tâm thị xã. Phòng thủ vòng đai căn cứ Không quân là 1 tiểu đoàn Nhảy Dù và 1 tiểu đoàn Địa phương quân. Tiểu đoàn Nhảy Dù này thuộc Lữ đoàn 2 Dù chuẩn bị về Sài Gòn theo kế hoạch chuyển quân của Bộ Tổng Tham mưu nhưng do tình hình chiến sự rất nguy ngập, nên Trung tướng Nghi đã xin giữ lại đơn vị này. Bộ chỉ huy Lữ đoàn 2 Dù cũng còn ở lại Phan Rang khi cộng quân tấn công vào thị xã này. Tại Trung tâm thị xã, lực lượng phòng thủ là một trung đoàn của Sư đoàn 2 Bộ binh và một tiểu đoàn Địa phương quân thuộc tiểu khu Ninh Thuận.  Trưa ngày 16/4/1975, thị xã Phan Rang nằm trong tay cộng quân. Tại bộ Tư lệnh mặt trận Phan Rang đặt trong căn cứ Không quân, cộng quân xua quân tiến sát đến vòng đai phi trường, Trung tướng Nghi, Tư lệnh Tiền Phương Quân đoàn 3, và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân, cho lệnh các sĩ quan và đơn vị trú phòng tùy nghi phân tán.
Sau hàng loạt pháo kích bắn phá căn cứ phi trường, doanh trại và hệ thống công sự phòng thủ, cộng quân cho bộ binh và thiết giáp đánh thẳng vào căn cứ. Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Chuẩn tướng Sang đã bị Cộng quân bắt sau đó. (BBT)

No comments:

Post a Comment