Saturday, April 13, 2019

Nhìn lại ngày 12 tháng 4, 1975

Kính thưa quý khán giả, tháng 4, 2019 đánh dấu 44 năm người Việt tỵ nạn CS phải rời khỏi quê hương để thành lập một quốc gia mới nằm ở ngoài vòng kiểm tỏa của CS, nhằm bảo vệ nền văn hóa dân tộc đích thực được tổ tiên gầy dựng từ 5,000 năm trước.  Nơi nào có bước chân của người tỵ nạn Việt Nam, nơi đó luôn có lá cờ vàng, và một Little Saigon – đối kháng lại hệ giá trị Marxist mà CS đang áp đặt tại Việt Nam.
Nhìn lại ngày này 44 năm trước, 12 tháng 4, năm 1975,  chiến dịch Eagle Pull bắt đầu khi Mỹ đóng cửa tòa đại sứ  tại Cam Bốt và  di tản tất cả công dân Hoa Kỳ. Máy bay trực thăng từ hàng không mẫu hạm USS Hancock của quân đội Hoa Kỳ và 180 thủy quân lục chiến Mỹ từ chiến hạm USS Okinawa đã đến Phnom Penh. Nhiều chính trị gia Cam Bốt đã chọn cách ở lại và hy vọng rằng Khmer Đỏ sẽ thể hiện lòng vị tha. Trong một lá thư gửi đến Đại sứ Mỹ, Phó Thủ tướng Sisowath Sirik Matak đã viết: “Tôi không thể ra đi một cách hèn nhát như vậy… Tôi chỉ phạm một sai lầm duy nhất là tin vào người Mỹ.” Vài ngày sau đó, ông Sirik Matak bị Khmer Đỏ xử bắn.
Trong bản báo cáo của cố vấn William L. Stearman gởi cho Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger cho biết, năm báo cáo tình báo riêng biệt được tiếp nhận trong tuần qua đã cho thấy quân CSBV có ý định tấn công Sài Gòn vào một thời điểm trong tương lai gần. Hai trong số các báo cáo  đều từ các nguồn CIA đáng tin cậy, đã nhận định rằng ngày 15 tháng 4 là ngày bắt đầu của các cuộc tấn công. Một bản đánh giá tình hình được giám đốc CIA tại Sài Gòn đưa ra vào ngày 9 tháng 4 đã kết luận rằng, Hà Nội dường như đang nhắm đến việc gia tăng áp lực lên Quân khu 3 để chuẩn bị “giải quyết tình hình” trước tháng 6 năm 1975. Báo cáo tình báo cũng cho biết thêm một sự việc thậm chí còn nghiêm trọng hơn đã được ghi nhận vào ngày 5 tháng 4, là 25 xe tăng và 3 súng phòng không đang di chuyển về phía Nam đã được chụp hình trong khu vực biên giới của ba nước có ranh giới với miền Nam Việt Nam. Đây được cho là một phần của một trung đoàn thiết giáp với 90 xe tăng và một số hỏa tiễn SAM.
Vào ngày 9 và 10 tháng Tư, các trụ sở của Sư đoàn 312 Bắc Việt bị phát hiện di chuyển qua đất của Lào về phía khu vực biên giới ba nước. Hành tung của sư đoàn 312 Bắc Việt, các xe tăng, súng phòng không,  pháo binh và hỏa tiễn SAM dọc theo hành lang Lào cho thấy Sư đoàn 1 của CSBV, bao gồm cả vũ khí yểm trợ, có lẽ sẽ được dùng để tấn công vào miền Nam. Báo cáo tình báo cũng nhận định nếu các lực lượng quân CSBV này thực sự tiến đến Quân khu 3 và mở các cuộc tấn công vào Sài Gòn, Quân lực Việt Nam Cộng hòa sẽ gặp phải khó khăn vô cùng trong việc đối phó với các lực lượng kết hợp này.
Trong khi các báo cáo tình báo cho thấy quân CSBV đã quyết định tấn công Sài Gòn, một số bằng chứng mong manh lại cho thấy họ không muốn tấn công, khi sự hiện diện của người Mỹ vẫn còn  tại Saigon.
Trong ngày 12/4/1975, trận chiến tại Long Khánh đã trở nên quyết liệt khi cộng quân tung thêm 1 sư đoàn có bí số CT 7 (công trường 7) vào mặt trận tại Ngã ba Dầu Giây. Kịch chiến đã diễn ra tại nhiều phòng tuyến vòng đai tỉnh lỵ Xuân Lộc của tỉnh Long Khánh. Tính đến ngày 12/4/ 1975, lực lượng cộng quân tại mặt trận Xuân Lộc (tỉnh lỵ tỉnh Long Khánh) và khu vực phụ cận có 4 sư đoàn chính quy.
Trước áp lực nặng của cộng quân, để đối đầu với 3 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn pháo, 2 trung đoàn thiết giáp của CSBV, ngày 12 tháng 4/1975, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 tung lực lượng trừ bị cuối cùng vào trận chiến: đó là Lữ đoàn 1 Nhảy Dù với 4 tiểu đoàn và tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù. (BBT)

No comments:

Post a Comment