Thursday, April 25, 2019

Nhìn lại ngày 21 tháng 4, 1975

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tháng 4/1975
Kính thưa quý khán giả, tháng 4, 2019 đánh dấu 44 năm người Việt tỵ nạn CS phải rời khỏi quê hương để thành lập một biểu tượng quốc gia mới nằm ở ngoài vòng kiểm tỏa của CS, nhằm bảo vệ nền văn hóa dân tộc đích thực được tổ tiên gầy dựng từ 5,000 năm trước.  Nơi nào có bước chân của người tỵ nạn Việt Nam, nơi đó luôn có lá cờ vàng, và một Little Saigon – đối kháng lại hệ giá trị Marxist mà CS đang áp đặt tại Việt Nam.
Nhìn lại ngày này 44 năm trước, 21 tháng 4, năm 1975,  ông Sisowath Sirik Matak, 61 tuổi, cựu Thủ tướng Cam Bốt, bị Khmer Đỏ xử tử sau khi chọn ở lại Cam Bốt thay vì di tản.
Tham mưu trưởng Frederick Weyand của Quân đội Hoa Kỳ thừa nhận tình hình quân sự tại miền Nam Việt Nam khó có thể đảo ngược. Tuy nhiên, ông Weyand cũng điều trần trước Ủy ban đặc trách chi tiêu của Hạ viện, và yêu cầu tăng cường hỗ trợ quân sự cho miền Nam. Ủy ban đặc trách chi tiêu Hạ viện phê duyệt 330 triệu Mỹ kim tiền viện trợ kinh tế và quân sự cho miền Nam Việt Nam.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia với sự tham dự của các nhân vật sau đây: Phó Tổng thống Trần Văn Hương, Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Đặng Văn Quang. Ngoài các thành viên kể trên, còn có Trung tướng Nguyễn Văn Toàn (Tư lệnh Quân đoàn 3), Trung tướng Nguyễn Văn Minh (Tư lệnh Biệt khu Thủ đô), Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình (Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia). Một ghi nhận đặc biệt là phiên họp không có mặt Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn, nhân vật đáng lý phải được thông báo và được mời dự. Theo lời của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn thì Tổng thống Thiệu không mời ông vì biết ông đã hai lần họp với các tướng lãnh và nghi ngờ ông vận động buộc Tổng thống Thiệu phải từ chức. Trong cuộc họp này, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã thông báo quyết định từ chức và trao quyền lại cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương. Giải thích cho sự ra đi của mình, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói rằng Hoa Kỳ muốn ông từ chức và dù ông có bằng lòng hay không thì nhiều tướng lãnh cũng muốn ông phải rút lui.  Tổng thống Thiệu cáo buộc Hoa Kỳ phản bội miền Nam Việt Nam. Bài diễn văn từ chức  của ông pha lẫn tính châm biếm và sự cay đắng. Tổng thống Thiệu đọc một bức thư được cho là do Tổng thống Nixon viết trong năm 1973; bức thư này đã cam kết tất cả các khoản viện trợ cần thiết cho miền Nam Việt Nam nếu miền Nam đồng ý ký hiệp định hòa bình Paris. Tổng thống Thiệu kêu gọi các bên ngừng bắn và trở lại Paris để đàm phán hòa bình. Trong cuộc phỏng vấn cuối cùng của Tổng thống Thiệu với hãng tin NBC, ông bày tỏ sự cay đắng rằng Hoa Kỳ không gửi nhiều viện trợ hơn đến miền Nam Việt Nam sau khi CSBV phá vỡ thỏa thuận hòa bình Paris.  Ông nhắc lại  Hoa Kỳ từng cam kết sẽ hỗ trợ miền Nam nếu Hà Nội tái xâm lược. Ông tin rằng miền Nam sẽ thất thủ nếu Hoa Kỳ không giúp đỡ, vì Nga và Trung Cộng vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Hà Nội.
19 giờ 30 ngày 21/4/1975, lễ bàn giao chức vụ Tổng Thống đã diễn ra tại Dinh Độc Lập và được trực tiếp truyền hình. Nhiều người hy vọng rằng sự ra đi của Tổng thống Thiệu sẽ thuyết phục Quốc hội Hoa Kỳ tự đổi ý và phê chuẩn việc viện trợ quân sự cho miền Nam.
Trong khi đó tại nhiều phòng tuyến thuộc Quân khu 3 chiến trận vẫn diễn ra giữa các đơn vị Quân lực VNCH và các sư đoàn cộng quân.
Năm ngày sau đó, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rời Saigon đến Đài Loan.
Cựu đại sứ tại miền Nam Việt Nam, Henry Cabot Lodge, đã gọi cho Tổng thống Gerald Ford vào chiều cùng ngày. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Ron Nessen cho biết Tổng thống Ford không đưa ra bình luận nào về việc Tổng thống Thiệu từ chức. Nhiều viên chức cho rằng Tổng thống Thiệu từ chức quá muộn để có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc chiến.
Miền Nam mất thêm 2 tỉnh vào tay cộng quân; gần 1/2 số tỉnh hiện đang bị quân CS chiếm giữ. Nhiều dấu hiệu cho thấy Sư đoàn 18 đang cố rút lui về Sài Gòn từ Xuân Lộc; cộng quân đang kiểm soát nhiều phần của Quốc lộ 1, khiến việc rút lui trở nên khó khăn.
CBU-55, vào thời điểm đó được mô tả là “vũ khí phi nguyên tử mạnh nhất trong kho vũ khí của Hoa Kỳ,” đã được sử dụng trong trận chiến lần đầu tiên và duy nhất. Một chiếc C-130 của Không quân Việt Nam Cộng hòa đã thả bom CBU-55. Bom này đốt cháy hết dưỡng khí trong bán kính 70 mét, giết chết 250 cộng quân gần Xuân Lộc, thủ phủ của tỉnh Bình Tuy.
Bất chấp sự kháng cự mạnh mẽ của quân lực VNCH, thị xã Xuân Lộc thất thủ vào cuối ngày.
Việc di tản người Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam được tăng mạnh. Hơn 1,000 người đến căn cứ không quân Clark ở Philippines; hơn 200 người khác cũng đến căn cứ không quân Travis ở California. (BBT)

No comments:

Post a Comment