Không Quân Bùi Đẹp, trưởng ban tổ chức, nói: “30 Tháng Tư, 1975, ngày của một số tướng lãnh, cựu sĩ quan, cựu chiến binh Quân Lực VNCH đã theo bước chân của Trần Bình Trọng, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương… liều mình tử tiết. Nhưng, anh hùng tử khí hùng nào tử. Cũng là ngày của những người cha phải xa con, vợ xa chồng, anh em ly tán, ngày của những trẻ mồ côi lạc loài trên hè phố, của hàng triệu đồng bào phải bỏ nước ra đi và hơn nửa triệu người đã mất mạng trên đường tìm tự do, ngày của hàng triệu quân, cán, chính VNCH trong cảnh tù đày của Cộng Sản. Đó là Ngày Quốc Hận Tháng Tư Đen.”

Ông kể, sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, hàng trăm ngàn gia đình của chiến binh VNCH đã phải lâm cảnh mất nước, nhà tan cửa nát, gia đình ly tán, hàng triệu sĩ quan đã phải bị vào trong những trại tù từ Nam chí Bắc của Cộng Sản. Và trong thời gian này, gia đình của họ phải cố gắng vượt biển hầu thoát khỏi gông cùm của Việt Cộng.
“Một vị cựu sĩ quan VNCH đã viết về câu chuyện thương tâm thê thảm đã đến với gia đình của ông, đó là toàn thể gia đình vợ con của ông đã phải bỏ mình dưới biển sâu, chỉ có một mình người con gái duy nhất còn sống sót. Bởi vì, người con gái này đã bị hải tặc Thái Lan bắt lên tàu hãm hiếp nhiều lần, và may mắn, khi cô ta bị họ vứt xuống biển thì đã được một tàu đánh cá Thái Lan khác cứu vớt, rồi được họ đưa cô ta vào trại tị nạn tại đây. Sau này, người cha được đoàn tụ với người con gái của mình khi ông được định cư tại hải ngoại,” ông kể.

Ông khẳng định: “Những oan hồn tức tưởi sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, là đại tang của dân tộc Việt. Vì vậy, ngày hôm nay cũng như hàng chục năm qua, các cựu chiến sĩ Quân Lực VNCH trong Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam California, Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Tây Nam Hoa Kỳ và cộng đồng của chúng ta đã sát cánh bên nhau để tổ chức Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận Tháng Tư Đen.”
Theo ông, lễ tưởng niệm là để nhắc nhở cho những người Việt ly hương về những đau thương, tan tác, uất hận mà trong lòng mọi người đều vướng mắc. Những màu áo trận đại diện các quân, binh chủng Quân Lực VNCH hầu như có mặt, và cùng chia sẻ niềm đau quặn thắt sau ngày gãy súng.
Ông Phạm Quỳnh, cựu sĩ quan huấn luyện viên Quân Trường Bộ Binh Thủ Đức, ngậm ngùi chia sẻ: “Hằng năm, cứ đến Tháng Tư thì trong lòng tôi có nỗi buồn man mác là vì tôi nghĩ rằng, mình phải lãnh trách nhiệm là để mất quê hương, gây cho rất nhiều đồng bào đến thời điểm nầy vẫn phải chịu lầm than đói khổ. Sau hơn 44 năm lưu vong thì nỗi đau mất nước vẫn còn trong ký ức của tôi, và thảm họa mất nước cũng gần kề. Cho nên, đồng hương tại hải ngoại nếu không đoàn kết và giữ vững lập trường chống cộng thì chúng ta dễ bị Cộng Sản tuyên truyền dối trá, không đúng sự thật. Thế nên, chúng ta cần phải đoàn kết, và đoàn kết nhiều hơn nữa thì mới mong đất nước sẽ không bị lọt vào tay Trung Cộng.”

Dẫu rằng, trách nhiệm của những người trai thế hệ trong thời đất nước ngập tràn binh lửa chưa tròn, sau những năm tù đày khổ nhục của kẻ tù binh thua trận, và hàng chục năm trong nỗi đau của người vong quốc, nhưng tinh thần đấu tranh cho tổ quốc và dân tộc vẫn còn.
Vì thế, cựu chiến sĩ VNCH Lê Nguyễn Thiện Truyền tâm tình: “Hôm nay là ngày đau buồn nhất của đất nước Việt Nam. Cũng vì vậy, với tư cách là một cựu chiến sĩ Quân Lực VNCH thì chúng tôi phải đến đây cùng với đồng hương hải ngoại để tưởng niệm ngày quốc tang này. Tôi có lời nhắn với những người đã được sanh ra và sống trong chế độ Cộng Sản thì đó không phải là lỗi của họ, nhưng, khi họ nằm xuống mà đã chưa có một ý chí hay hành động nào chống chế độ Cộng Sản, thì họ là những người có lỗi với đất nước.”

Bà Lê Phương Nhị, cư dân Westminster, bày tỏ: “Đối với những người Việt ly hương, nhất là những người đã từng cầm súng, những người đã từng phục vụ cho chánh phủ VNCH và những con dân yêu nước thì phải giữ vững tư tưởng, lập trường của mình là vì sao chúng ta phải rời xa đất tổ. Chúng ta phải truyền lại tư tưởng này cho những thế trẻ hiểu được lý do tại sao người Việt ở hải ngoại lúc nào cũng đấu tranh chống Cộng Sản. Bởi vì nếu còn Cộng Sản trên đất nước Việt Nam thì từ truyền thống văn hóa đến quê cha đất tổ trước sau gì cũng bị giặc Tàu đô hộ thêm lần nữa.”
Càng về đêm, gió càng lạnh, nhưng cũng còn rất nhiều đồng hương cao tuổi vẫn ngồi thưởng thức chương trình văn nghệ do Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, Ban Văn Nghệ Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Tây Nam Hoa Kỳ, Ban Tù Ca Xuân Điềm, Ban Văn Nghệ Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California, và nhiều ban văn nghệ khác đóng góp. (Lâm Hoài Thạch)
No comments:
Post a Comment